Y tếPhòng, chống HIV

Chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone

Còn nhiều khó khăn

00:00 - Thứ Hai, 14/12/2015 Lượt xem: 1079 In bài viết
ĐBP - Toàn tỉnh hiện có 8 cơ sở điều trị và 21 cơ sở cấp phát methadone tại các huyện, xã trọng điểm về ma túy và có tỷ lệ nhiễm HIV cao. Lũy tích từ khi chương trình khởi động (tháng 3/2011) đến nay đã điều trị cho 3.308 bệnh nhân; trong đó, đang điều trị cho 2.533 người, đạt 57% kế hoạch Chính phủ giao. Qua thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, bệnh nhân cao tuổi nhất hiện đang điều trị thay thế bằng methadone là 75 tuổi; bệnh nhân ít tuổi nhất là 16 tuổi và tỷ lệ bệnh nhân nam điều trị thay thế bằng methadone chiếm 99%.

Đa phần bệnh nhân được điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng methadone đều tuân thủ điều trị tốt và kết quả điều trị rất khả quan: Giảm cảm giác thèm ma túy, giảm tần suất sử dụng các dạng thuốc phiện nên không lo tìm hêrôin cho nhu cầu ngày càng tăng. Điều đó đồng nghĩa với việc họ có thể tiết kiệm chi phí, thời gian và cải thiện được tình trạng sức khỏe, ổn định cuộc sống.

Bệnh nhân Lường Văn Ôn, xã Thanh Luông (huyện Điện Biên) là một trong những bệnh nhân đầu tiên đăng ký uống thuốc khi Cơ sở điều trị methadone tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh đi vào hoạt động. Anh Ôn cho biết: Uống thuốc đúng liệu trình, thời gian quy định, hơn 2 tháng nay, sức khỏe mình đã ổn định và tốt hơn rất nhiều, không còn cảm giác thèm ma túy. Ngoài thời gian làm ruộng, mình còn đi phụ hồ ở các công trình xây dựng trên địa bàn huyện Điện Biên và TP. Điện Biên Phủ để tăng thu nhập. Tâm sự với anh Ôn, tôi hiểu, anh cũng như bệnh nhân đã và đang được điều trị thay thế bằng methadone đều mong muốn sẽ từ bỏ được ma túy, có sức khỏe tốt để lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Theo ông Triệu Đình Thành, Giám đốc Sở Y tế, trong quá trình điều trị không xảy ra tình trạng bệnh nhân tai biến, ngộ độc methadone. Khi phát hiện các bệnh lý kèm theo nhóm bệnh nhân điều trị methadone, các cơ sở điều trị thường xuyên tư vấn cho những bệnh nhân có viêm gan B, C đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, xét nghiệm sinh hóa máu để kiểm tra chức năng gan, điều trị kịp thời khi men gan tăng. Đối với bệnh nhân điều trị methadone nhiễm HIV được điều trị ARV. Ông Triệu Đình Thành khẳng định, kết quả lớn nhất mà chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone đạt được trong thời gian qua là giảm hoàn toàn nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm người nghiện, chích hêrôin ra ngoài cộng đồng. Bên cạnh đó, chất lượng cuộc sống của những người nghiện cũng được cải thiện rõ rệt bởi họ có thể lao động sản xuất khi điều trị, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tội phạm, tệ nạn xã hội liên quan tới ma túy trong khi sức khỏe, mối quan hệ với gia đình và xã hội được cải thiện.

Tuy vậy, thực tế cho thấy, quá trình triển khai chương trình điều trị methadone trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn cần tháo gỡ. Bởi đa số bệnh nhân đến uống methadone là người nghèo chưa được Nhà nước hỗ trợ kinh phí theo Thông tư số 25/TTLB - BYT - BTC ngày 16/7/2014 của liên bộ Bộ Y tế - Bộ Tài chính quy định về quản lý và sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ khám, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Người nghiện ma túy thường không có công việc và thu nhập ổn định, phải đi làm ăn xa trong thời gian nông nhàn, ảnh hưởng đến việc tham gia chương trình và tuân thủ quy trình điều trị. Địa bàn rộng, giao thông khó khăn, khả năng tiếp cận điều trị tại các cơ sở điều trị methadone của người nghiện rất hạn chế. Đó là nguyên nhân dẫn đến số lượng bệnh nhân bỏ điều trị trong thời gian qua khá cao (404 người). Việc xã hội hóa chương trình điều trị methadone gặp nhiều khó khăn, do nhiều bệnh nhân là hộ nghèo, bệnh nhân không có thu nhập ổn định, bệnh nhân sống độc thân… nên khó thu phí, trong khi theo quy định, bệnh nhân uống methadone phải chi trả từ 7.000 - 10.000/người/ngày (thu 10.000 đồng/người/ngày đối với vùng không có dự án hỗ trợ kinh phí).

Hiệu quả của chương trình điều trị methadone thời gian qua dù được đánh giá là rất khả quan. Nhu cầu điều trị của bệnh nhân trên địa bàn là rất lớn (toàn tỉnh hiện có hơn 9.400 người nghiện các chất ma túy), nhưng kinh phí các chương trình mục tiêu, các dự án hỗ trợ, viện trợ của các tổ chức quốc tế bị cắt giảm nên việc mở rộng các cơ sở điều trị là bài toán khó, nhất là đến năm 2016, Quỹ toàn cầu kết thúc tài trợ miễn phí thuốc methadone. Ngay cả với những cơ sở điều trị đã đi vào hoạt động cũng gặp nhiều khó khăn. Đơn cử, như ở huyện Điện Biên Đông, do chưa triển khai thu phí nên Cơ sở điều trị methadone tại Trung tâm Chữa bệnh - Lao động xã hội huyện Điện Biên Đông thiếu kinh phí chi công tác phí cho cán bộ đi giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho cơ sở cấp phát methadone Mường Luân; không có kinh phí thuê xe ôtô vận chuyển thuốc (phải vận chuyển thuốc bằng xe máy không đảm bảo an toàn); không có kinh phí chi trả chế độ làm ngoài giờ cho cán bộ… Điều đó ảnh hưởng phần nào đến hiệu quả, mục tiêu chương trình đề ra.

Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top