Y tếPhòng, chống HIV

Tạo niềm tin cho người cai nghiện

08:51 - Thứ Hai, 13/06/2016 Lượt xem: 2176 In bài viết
ĐBP - Cai nghiện ma túy là một quá trình nan giải đối với bất cứ người nào từng nghiện ma túy. Để cai nghiện thành công, bản thân mỗi người đang cai phải kiên trì và nỗ lực. Bên cạnh đó, vai trò những người làm công tác hỗ trợ cai nghiện cũng hết sức quan trọng trong việc tạo động lực, niềm tin lâu bền cho người cai nghiện.
Đầu tháng 6, chúng tôi tới Phòng khám ngoại trú, thuộc Trung tâm Y tế huyện Điện Biên. Đây hiện là cơ sở tổ chức cai nghiện bằng Methadone cho người nghiện ma túy tại huyện Điện Biên, cũng là nơi đầu tiên trên địa bàn tỉnh triển khai Đề án “Thí điểm mô hình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. Do đó, công tác truyền thông y tế, vận động, tư vấn và hỗ trợ cai nghiện tại đây cũng được chú trọng.

Phòng khám ngoại trú huyện Điện Biên hiện có 11 điểm cấp phát Methadone vệ tinh nằm tại 11 xã, với đội ngũ cán bộ, dược sỹ là 35 người, kiêm việc cấp phát thuốc và tư vấn, khám sức khỏe cho người tới cai nghiện.

Bà Vũ Thị Kim Ngân, Trưởng Phòng khám ngoại trú cho biết: “Tính đến tháng 6/2016, phòng khám tiếp nhận trên 900 bệnh nhân tới cai nghiện bằng Methadone, con số này cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2015. Đây là dấu hiệu đáng mừng đối với công tác vận động cai nghiện và truyền thông y tế trên địa bàn huyện Điện Biên”.

Tuy nhiên, có một thực trạng hiện nay là số người uống Methadone ngày càng tăng, song số người cai nghiện thành công thì vẫn khá thấp. Ngoài một số ít người đã cai được và ngừng uống Methadone thì hầu hết những người đang cai nghiện vẫn phải uống Methadone trong thời gian khá dài mà chưa có dấu hiệu khả quan. Nguyên nhân của tình trạng này được bà Vũ Thị Kim Ngân phân tích là do người cai nghiện không có tâm lý kiên trì và chưa uống đủ liều theo đúng hướng dẫn của dược sỹ; một số người đang uống Methadone nhưng vẫn sử dụng ma túy; còn số khác thì có tâm lý e ngại, từ khi uống Methadone phải trả phí 10.000 đồng/lần uống (tháng 7/2015) nên họ không đến uống đều đặn.

“Ngoài cấp phát Methadone, hằng tháng chúng tôi còn tư vấn, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe và lấy mẫu xét nghiệm cho người đang cai nghiện. Qua xét nghiệm, chúng tôi thấy nhiều trường hợp vẫn dương tính với mẫu thử ma túy. Do đó, chúng tôi đã tổ chức các buổi tuyên truyền, tư vấn ngay tại phòng khám, thậm chí còn cho cán bộ, dược sỹ phối hợp với chính quyền xã, vào tận nhà vận động họ từ bỏ ma túy để cai nghiện” – bà Vũ Thị Kim Ngân chia sẻ.

Từ đầu năm 2016 đến nay, Phòng khám ngoại trú huyện Điện Biên đã tổ chức 6 buổi tuyên truyền tập trung cho người tới uống Methadone toàn huyện. Cùng với đó, phòng khám còn thống kê những trường hợp đã cai nghiện thành công, đưa ra làm gương cho những người đang cai nghiện để giúp họ có thêm động lực tiếp tục kiên trì cai. Được biết để cai nghiện bằng Methadone thành công, người cai phải uống ít nhất từ 1,5 – 2 năm mới thấy chuyển biến rõ ràng. Cùng với đó, người cai phải có chế độ sinh hoạt, lao động hợp lý và quyết tâm nói không với ma túy. Tuy vậy, không phải người nghiện ma túy nào cũng hiểu rõ được tác dụng của việc uống Methadone và có niềm tin vào việc cai nghiện. Đó cũng chính là khó khăn lớn đặt ra cho công tác cai nghiện bằng Methadone của huyện Điện Biên nói chung.

Tại điểm cấp phát Methadone xã Núa Ngam, trong buổi sáng có khá nhiều người đến uống Methadone. Các cán bộ và dược sỹ tại đây, ngoài cấp phát thuốc, còn chủ động trò chuyện, hỏi thăm sức khỏe và tư vấn cho những người tới uống. Anh Trần Văn Hùng (đội 2, xã Núa Ngam) sau khi được tư vấn tại đây, cho chúng tôi biết: “Tôi cai nghiện bằng Methadone đã 3 năm rồi nhưng vẫn chưa thành công. Trước đây tôi nghĩ do Methadone không tốt nên tới uống không đều và vẫn thỉnh thoảng sử dụng ma túy. Giờ đây, tôi được cán bộ tư vấn, giải thích cặn kẽ, tôi đã hiểu đúng nghĩa việc uống Methadone và quyết tâm không sử dụng ma túy để cai nghiện thành công”.

Được biết, điểm cấp phát Methadone xã Núa Ngam là điểm có số lượng người tới uống đông nhất trong các điểm cấp phát Methadone vệ tinh của Phòng khám ngoại trú huyện Điện Biên. Dược sỹ Phùng Thị Oanh, phụ trách điểm này chia sẻ: “Qua biểu hiện về da, thể trạng bên ngoài của nhiều người tới uống Methadone, chúng tôi biết họ vẫn chưa có biến chuyển tốt, vì thế chúng tôi dành nhiều thời gian hơn để tư vấn cũng như động viên, giúp họ có thêm niềm tin trong việc cai nghiện. Có trường hợp chúng tôi phải vào tận nhà, vận động người thân trong gia đình động viên người nghiện đi cai thường xuyên. Cũng có số ít trường hợp tới uống Methadone nhưng “nợ” tiền uống nên cán bộ chúng tôi đã bỏ tiền túi ra để hỗ trợ, làm sao để họ thực sự tin tưởng và kiên trì cai nghiện mới là điều quan trọng”.

Hiện nay, cơ sở vật chất của Phòng khám ngoại trú huyện Điện Biên và các điểm cấp phát Methadone vệ tinh vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn và quy mô nhỏ; đây cũng là khó khăn đối với mỗi cán bộ làm công tác hỗ trợ cai nghiện. Tuy nhiên, bằng việc tư vấn, hướng dẫn tận tình, kiên trì của những người làm công tác hỗ trợ cai nghiện, hy vọng rằng, trong tương lai gần, các bệnh nhân đang cai nghiện bằng Methadone sẽ có thêm niềm tin để quyết tâm làm lại cuộc đời, trở thành lao động có ích cho gia đình và xã hội. Để việc cai nghiện bằng Methadone được thành công, rất cần sự chung tay của các cấp, ngành và toàn xã hội trong việc tuyên truyền, vận động cai nghiện, cũng như hỗ trợ, tạo việc làm cho người sau cai nghiện.

Phương Liên
Bình luận
Back To Top