Y tếPhòng, chống HIV

Thêm hi vọng cho người nhiễm HIV

10:15 - Thứ Năm, 20/10/2016 Lượt xem: 2811 In bài viết
ĐBP - Bắt đầu từ năm 2017, các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức nước ngoài dành cho việc phòng, chống, điều trị HIV/AIDS trên toàn quốc sẽ giảm dần và có thể cắt giảm hoàn toàn vào những năm tiếp theo. Đứng trước nguy cơ bệnh nhân HIV/AIDS phải vật lộn với gánh nặng chi phí điều trị, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam đã triển khai khám chữa bệnh cho người nhiễm HIV/AIDS bằng BHYT, tiến tới việc BHYT sẽ thanh toán toàn bộ chi phí điều trị. Tại Điện Biên, công tác này được triển khai thí điểm tại Tuần Giáo và đã nhân rộng ra toàn tỉnh, mở ra hi vọng cho người nhiễm HIV.

 

Đại biểu tham quan việc sử dụng ứng dụng phần mềm tích hợp khám, chữa bệnh cho người nhiễm HIV bằng BHYT tại Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo.
Điện Biên là một trong những tỉnh trọng điểm về ma túy và HIV/AIDS. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 6.761 người nhiễm HIV còn sống; 9.432 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Đa phần các bệnh nhân HIV/AIDS đều nằm trong đối tượng nghèo và cận nghèo, không có tiền mua thuốc hoặc thanh toán các chi phí liên quan đến điều trị nếu không được hỗ trợ từ các chương trình, dự án nước ngoài. Trong khi các bệnh nhân HIV khi đã chuyển sang giai đoạn AIDS thì thường xuyên mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội cần phải điều trị; bệnh nhân nhiễm HIV khi chưa chuyển sang giai đoạn AIDS cũng cần được khám, phát hiện các bệnh nhiễm trùng cơ hội nên chi phí liên quan sẽ thực sự là gánh nặng với họ. Bác sĩ Trần Văn Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, cho biết: Hiện nay, tất cả các thuốc, chi phí điều trị đều được hỗ trợ từ các nguồn viện trợ nước ngoài. Tuy nhiên, các nguồn này đang bị cắt giảm mạnh, bệnh nhân sẽ không còn được điều trị miễn phí nữa mà sẽ phải thanh toán các chi phí theo phác đồ điều trị. Trước thực trạng đó, giải pháp lâu dài và bền vững là sẽ thanh toán việc điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS (bao gồm cả thuốc ARV) thông qua BHYT. Ở tỉnh ta, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế, BHXH Việt Nam, Sở Y tế đã triển khai thực hiện kiện toàn 100% cơ sở điều trị HIV/AIDS gắn với hoạt động của khoa khám bệnh, khoa truyền nhiễm của các bệnh viện tỉnh, huyện; bổ sung nội dung khám chữa bệnh cho người nhiễm HIV vào hợp đồng khám chữa bệnh với BHXH tỉnh. Bắt đầu từ ngày 1/6, 100% cơ sở điều trị HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đã triển khai khám chữa bệnh BHYT cho người nhiễm HIV. Người nhiễm HIV/AIDS khi tham gia BHYT sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích trong dịch vụ y tế như: Khám bệnh, làm xét nghiệm HIV, mua thuốc ARV, điều trị dự phòng cho phụ nữ nhiễm HIV mang thai, điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội... Đây thực sự là hướng giải quyết hiệu quả vấn đề kinh phí cho bệnh nhân nhiễm HIV.

Chúng tôi có dịp trở lại Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo, nơi đầu tiên thí điểm việc khám chữa bệnh bằng BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS. Người chúng tôi tìm gặp đầu tiên là bác sỹ Trần Thị Vân, Phó khoa Khám bệnh và là người trực tiếp khám, điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV. Hôm nay lượng bệnh nhân có phần đông hơn so với mọi hôm. Một số bệnh nhân đến để làm các xét nghiệm định kỳ, số khác thì mới quay lại đăng ký điều trị sau một thời gian bỏ dở… Bác sỹ Vân chia sẻ: Hiện nay Trung tâm đang theo dõi, khám, điều trị cho 475 bệnh nhân HIV. Định kỳ hàng tháng bệnh nhân đến Trung tâm kiểm tra sức khỏe, nhận thuốc ARV và một số loại thuốc khác. 6 tháng 1 lần bệnh nhân sẽ phải làm xét nghiệm CD4 để kiểm tra tình trạng vi rút HIV trong máu. Nếu như không được hỗ trợ chi phí điều trị thì trung bình mỗi tháng người bệnh phải chi trả từ 200 - 300 nghìn đồng tùy theo phác đồ điều trị. Ngoài ra, chi phí để làm các xét nghiệm cũng không phải là con số nhỏ, trung bình từ 400 - 600 nghìn đồng/lần xét nghiệm. Các bệnh nhân đến đây đều thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; có trường hợp cả vợ, chồng đều là bệnh nhân điều trị tại đây nên nếu không được hỗ trợ thì chi phí điều trị sẽ là gánh nặng kinh tế rất lớn đối với gia đình bệnh nhân. Còn nếu chi phí khám chữa bệnh được thanh toán bằng BHYT thì rất thuận lợi cho người bệnh. Phần lớn bệnh nhân đều có thẻ BHYT nên gánh nặng được giảm đi rất nhiều. Chị Cà Thị B., xã Chiềng Đông, bệnh nhân điều trị tại Trung tâm, chia sẻ: Chồng mình đi làm xa mang căn bệnh thế kỷ về lây cho vợ. Lúc mới phát hiện ra bệnh mình suy sụp nhiều lắm. Nhưng khi đến cơ sở y tế được các bác sỹ khám, tư vấn biết rằng nếu uống thuốc ARV đều đặn thì vẫn khỏe mạnh như người bình thường thì mình cảm thấy có thêm niềm tin vào cuộc sống. Tuy nhiên, nếu bây giờ không được cấp thuốc ARV miễn phí nữa mà phải tự bỏ tiền ra mua thì mình thấy rất khó khăn. Nhà mình không phải thuộc diện hộ nghèo nhưng thu nhập cũng chỉ ở mức đủ ăn và lo cho 3 đứa con nhỏ học hành. Bây giờ mỗi tháng trích ra 500 - 600 nghìn đồng mua thuốc cho 2 vợ chồng cũng phải làm thôi nhưng có khi nhà mình lại “tụt” xuống hộ nghèo mất… Bây giờ mà BHYT chi trả giúp các chi phí thì tốt quá, mình vẫn có điều kiện để lo cho các con học hành, đầu tư phát triển kinh tế gia đình ngày một tốt hơn.

Do các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức nước ngoài vẫn còn nên hiện nay BHYT mới chỉ chi trả tiền công khám (14.000 đồng/lượt bệnh nhân). Sang năm 2017, khi các nguồn hỗ trợ cắt giảm dần mới có thể đánh giá chính xác hiệu quả việc triển khai khám, chữa bệnh BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS bằng những số liệu cụ thể. Nhưng từ thực tế đã cho thấy, đây là hướng đi đúng đắn, giúp cho người nhiễm HIV/AIDS không còn lo lắng về chi phí, yên tâm điều trị theo đúng phác đồ, góp phần không nhỏ vào công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn. Không chỉ vậy, việc triển khai BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Như một cầu nối, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ thêm một lần nữa là đơn vị khớp nối, tạo điều kiện và thực hiện việc sẻ chia, tương trợ giữa những người tham gia BHXH, giúp họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống...

Hải Phong
Bình luận
Back To Top