Y tếPhòng, chống HIV

Sẻ chia với người có “H”

09:04 - Thứ Năm, 08/12/2016 Lượt xem: 5572 In bài viết
ĐBP - Đường đến các bản gần, xa của xã Na Son (huyện Điện Biên Đông) đều có bước chân anh Lường Văn Tuấn. Anh Tuấn không phải cán bộ, cũng không phải tư thương hay làm công việc gì đặc biệt. Anh chỉ là một người từng lạc bước, không muốn nhiều người lâm cảnh ngộ giống mình, anh đã chia sẻ, tư vấn cho người dân cách phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS, tuyên truyền, vận động người nghiện chích ma túy đi xét nghiệm, điều trị. Nhờ đó mà hơn 2 năm qua, xã Na Son có hàng trăm lượt người có nguy cơ cao được khám, điều trị, giúp họ vượt qua mặc cảm yên tâm lao động sản xuất, bản làng cũng thêm bình yên.

Lường Văn Tuấn là người bản Sư Lư 4, còn rất trẻ, mới 26 tuổi, do quan hệ tình dục không an toàn mà nhiễm “H”. Tuấn phát hiện bệnh khi đi khám nghĩa vụ quân sự vào năm 2009, thời gian ấy, người dân vùng cao nơi đây vẫn còn chưa biết HIV là gì. Đến năm 2010, được người quen ở xã ngoài giải thích, vận động, Tuấn mới đi khám, tham gia quy trình điều trị. Từ ấy đến giờ, nhờ điều trị tích cực, sức khỏe dần ổn định, anh Tuấn sinh hoạt, lao động bình thường và có một gia đình nhỏ hạnh phúc, vợ con đều không mắc căn bệnh như anh. Bằng câu chuyện của chính mình và nhận thức về căn bệnh ngày càng được nâng lên, anh Tuấn thuyết phục những người cùng mắc bệnh trong bản ra trung tâm y tế huyện khám và điều trị. Năm 2014, anh tham gia Dự án Cộng đồng phòng, chống HIV/AIDS, làm nhân viên tiếp cận cộng đồng tại chính xã mình. Công việc của anh là tìm hiểu, tiếp cận những người nghiện chích ma túy, người có nguy cơ cao để tư vấn phòng, chống HIV/AIDS, tư vấn sức khỏe và đưa họ đi xét nghiệm, nếu phát hiện bệnh thì hướng dẫn họ làm thủ tục tham gia điều trị. Đối với những người mắc bệnh tại cộng đồng, anh giảng giải, thuyết phục người bệnh đến cơ sở y tế kiểm tra.

 

Anh Lường Văn Tuấn (bên phải) tư vấn phòng, chống HIV/AIDS cho thanh niên trong xã.

Xã Na Son có 14 bản, trung bình mỗi tháng anh Lường Văn Tuấn đi 1 chuyến dài từ 3 - 4 ngày đến các bản để vừa thăm hỏi những người đã điều trị, vừa vận động những người có nguy cơ cao đi xét nghiệm, người nghiện ma túy đăng ký tham gia uống thuốc methadone. Anh còn vừa tranh thủ lúc đi thăm người thân, làm nương vừa trò chuyện, tuyên truyền nâng cao nhận thức về HIV/AIDS cho những người trong nhóm nguy cơ mình gặp. Có những bản xa như Noọng Chuông, đường xấu, mưa xuống là lầy lội, không ít lần anh trượt ngã nhưng khi có người gọi, cần xin tư vấn, giúp đỡ, anh vẫn đến tận nơi. Dần dần nhiều người tin tưởng, có người còn tìm đến nhà anh tâm sự. Nhiều người không biết chữ, không có phương tiện đi lại, anh Tuấn chở họ ra cơ sở y tế, giúp họ hoàn thiện thủ tục. Đến kỳ nhận thuốc ARV anh vừa đi lấy thuốc cho mình, vừa chở người bệnh đi lấy cùng. Mùa nông nhàn, ai đến nhờ đưa đi xét nghiệm anh cũng làm “xe ôm” không công. Công việc của anh Tuấn tưởng như thuận lợi là vậy nhưng nhiều lúc cũng gặp không ít khó khăn. Nhất là những trường hợp còn e dè, giấu giếm bệnh, anh phải giảng giải, động viên, rồi kể câu chuyện của mình ra nói vui: “Tôi “ết” đấy mà có ai xa lánh đâu, vẫn lấy được vợ, sinh con khỏe mạnh đây này”. “Những người mới tham gia điều trị, tôi phải liên lạc thường xuyên để hỏi han tình hình, ai bỏ thuốc tôi lại đến tận nhà hoặc gọi điện giải thích, tự lấy kinh nghiệm, quá trình điều trị của mình ra làm chứng. Mọi người thấy tôi mắc bệnh nhiều năm mà vẫn khỏe, gia đình yên ấm nên cũng tin tưởng, đa số nghe theo và tuân thủ phác đồ điều trị” - anh Tuấn chia sẻ.

Trải lòng về những buồn, vui trong công việc, anh Tuấn nhớ nhất trường hợp của ông Bạc Cầm Bảo, bản Pó. Khi đến bản Pó tuyên truyền, anh mới biết ông Bảo nghiện ma túy nhiều năm, đang trong tình trạng suy kiệt, rất yếu. Được sự đồng ý của người nhà ông Bảo, anh Tuấn đưa ông đi xét nghiệm và đăng ký uống methadone. Khi ấy ông Bảo mới biết mình có “H” và tham gia điều trị. Đúng lúc đang dở câu chuyện, ông Bảo đi làm nương qua, ghé chơi nhà anh Tuấn. Ông kể lại: “Khi ấy tôi nghĩ mình không sống được bao lâu nữa thì chữa trị cũng không có tác dụng gì nhưng Tuấn động viên, đưa đi tận nơi nhận thuốc nên cũng uống thử. Sau một thời gian, tôi bỏ được ma túy, sức khỏe ổn định hơn, đi làm nương, giúp gia đình được nhiều việc nên cả nhà mừng lắm”.

Trò chuyện một lúc, đến giờ anh Tuấn phải đi làm. Anh đang dựng nhà thuê cho 1 gia đình gần trung tâm xã nên chúng tôi ngỏ ý đi cùng. Nhìn anh đóng từng nhát búa vào cột nhà chắc nịch, không ai nghĩ anh là người có “H”. Với nghị lực vươn lên, cố gắng vượt qua bệnh tật, anh không chỉ tạo dựng cho mình cuộc sống ếm âm, ý nghĩa mà còn giúp bao người cùng hoàn cảnh không còn mặc cảm, sống vui vẻ và khỏe mạnh.

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận
Back To Top