Y tếPhòng, chống HIV

Cai nghiện ma túy: Người nghiện là nhân tố quyết định

14:30 - Thứ Hai, 26/12/2016 Lượt xem: 3250 In bài viết
ĐBP - Tính đến hết năm 2016, Điện Biên có gần 9.700 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng 260 người so với năm 2015 và chiếm 1,8% dân số toàn tỉnh. Những hệ lụy ma túy mang đến là rất lớn, tuy nhiên, công tác cai nghiện ma túy thời gian qua rất hạn chế.

Theo thông tin từ Sở Y tế, từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã triển khai 8 cơ sở điều trị và 21 cơ sở cấp phát thuốc methadone tại các huyện: Điện Biên, Mường Ảng, Tuần Giáo, Mường Chà, Tủa Chùa, TX. Mường Lay, huyện Điện Biên Đông, TP. Điện Biên Phủ, Trung tâm Chữa bệnh  - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh. Các đơn vị đang quản lý, điều trị cho 2.831 bệnh nhân (đạt 64,3% kế hoạch theo chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao là 4.400 bệnh nhân). Quá trình triển khai cai nghiện ma túy trên địa bàn đang gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Đặc thù là tỉnh miền núi, giao thông đi lại khó khăn; phần lớn người nghiện nhiễm HIV/AIDS, hoàn cảnh gia đình nghèo khó, không có nghề nghiệp ổn định.

Báo cáo với Đoàn kiểm tra số 3, Ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ tại buổi kiểm tra hồi đầu tháng 10/2016 về công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện, đại diện UBND huyện Điện Biên cho biết: Huyện Điện Biên hiện có 900 người nghiện ma túy được điều trị bằng thuốc methadone nhưng qua kiểm tra thực tế, những người nghiện này vẫn sử dụng ma túy trong quá trình điều trị (sáng uống methadone, chiều sử dụng hêrôin hoặc một loại ma túy khác). Bởi vậy, khi nhu cầu về liều lượng ma túy tăng, thuốc methadone trở nên vô tác dụng và kết quả là tỷ lệ tái nghiện gần như tuyệt đối. Do đó, số người nghiện hàng năm trên địa bàn đều tăng, mỗi lần rà soát lại phát hiện những trường hợp nghiện mới, phải đưa vào quản lý; việc cai nghiện vô hình trở thành áp lực kế hoạch. Về cai nghiện bắt buộc, cái khó không phải là việc cắt cơn hay giúp người nghiện điều trị thoát hoàn toàn sự lệ thuộc vào ma túy mà là vấn đề quản lý người cai nghiện sau cai, trở về địa phương khi hàng ngày vẫn chịu ảnh hưởng bởi tình trạng mua bán ma túy lẻ và bị rủ rê, lôi kéo. Theo ông Trần Văn Bốn, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Điện Biên thì: Dù có đầu tư một “núi” tiền cũng không làm được nếu không có những chế tài, kế hoạch, phương án sau cai cụ thể.

Chia sẻ với chúng tôi về công tác cai nghiện trên địa bàn tỉnh thời gian qua, bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Tính đến giữa tháng 11/2016, toàn tỉnh tổ chức cai nghiện ma túy cho 748 lượt người, trong đó, số tiếp nhận mới (chỉ tiêu 2016) 697 lượt người. Cụ thể: cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho 555 lượt người, trong đó, 2 huyện vượt chỉ tiêu kế hoạch là huyện Điện Biên 159/150 người, huyện Mường Nhé 132/100 người; 2 đơn vị không đạt là TP. Điện Biên Phủ 79/100 người và huyện Tuần Giáo 45/150 (đạt 30% kế hoạch). Về cai nghiện bắt buộc, Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh tổ chức điều trị cho 193 lượt người (trong năm tiếp nhận mới 142 người), trong đó chỉ có huyện Nậm Pồ đạt kế hoạch với 23 người cai nghiện tự nguyện tại Trung tâm. Theo bà Nga, hiện nay chúng ta phải coi người nghiện ma túy là một bệnh nhân, nghiện ma túy giống như một loại bệnh đã ăn sâu vào não bộ và có thể coi đây gần như một bệnh mãn tính. Vì vậy, quá trình điều trị phải lâu dài, có quyết tâm cao từ người điều trị và được điều trị. Thực tế đã có những trường hợp cai nghiện thành công, có sức khỏe xây dựng lại kinh tế gia đình và vươn lên làm giàu ở các xã: Núa Ngam, Thanh Chăn (huyện Điện Biên) nhưng số này chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Cùng với việc quyết liệt trấn áp tội phạm ma túy của các cơ quan chức năng nhằm “chặt đứt” nguy cơ nghiện ma túy từ gốc rễ, sự tuyên truyền của chính quyền, cộng đồng, động viên, giáo dục của gia đình thì hiệu quả của việc cai nghiện phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm của người nghiện chứ không có bất cứ loại thuốc nào có thể thay thế được.

Phạm Dương
Bình luận
Back To Top