Y tếPhòng, chống HIV

Điều trị Methadone ở Điện Biên Đông

Cần sự chung tay của toàn xã hội

09:22 - Thứ Năm, 23/03/2017 Lượt xem: 3502 In bài viết
ĐBP - “Thời gian gần đây bệnh nhân bỏ điều trị Methadone rất nhiều. Từ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 đến nay, đã có 20 trường hợp bỏ điều trị. Tính từ tháng 5/2016, đã có 120 bệnh nhân bỏ điều trị Methadone trong toàn huyện…” - Bác sỹ Ngô Hồng Long, Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội huyện Điện Biên Đông, cho biết như vậy...

Theo ông Ngô Hồng Long, trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bệnh nhân bỏ điều trị Methadone thì nguyên nhân chủ yếu và có thể xem như đúng với hầu hết mọi trường hợp, đó là do bản thân bệnh nhân không có việc làm, không có thu nhập ổn định, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không có tiền để nộp lệ phí xin cấp phát thuốc. Để việc điều trị đạt hiệu quả, Trung tâm tiến hành chặt chẽ từ khâu xét chọn đối tượng, lưu ý những đối tượng đăng ký thường trú tại địa phương nhưng thường xuyên vắng nhà hoặc những bệnh nhân không có khả năng đến cơ sở điều trị hàng ngày. Các bệnh nhân lựa chọn được khám lâm sàng và các xét nghiệm đủ tiêu chuẩn mới được điều trị. Hàng ngày, người bệnh đến cơ sở điều trị methadone uống thuốc dưới sự giám sát trực tiếp của nhân viên y tế với liều điều trị duy trì tuỳ thuộc vào mức độ nghiện ma tuý của từng trường hợp. Cùng với việc triển khai theo quy trình chuẩn, những cán bộ y tế ở cơ sở nắm rõ về tâm lý, bệnh lý của các bệnh nhân tham gia điều trị, từ đó có phương pháp điều trị thích hợp, hiệu quả.

 

Bệnh nhân đến uống thuốc Methadone tại Cơ sở điều trị Methadone thị trấn Điện Biên Đông.

Được biết, từ tháng 5/2016, chính quyền huyện Điện Biên Đông đã đồng ý cho đơn vị thu lệ phí cấp phát thuốc với mức 10.000 đồng/người/ngày. Từ đó đến nay, bắt đầu xuất hiện tình trạng bệnh nhân bỏ điều trị Methadone ngày một nhiều. Đây là tín hiệu không mấy lạc quan trong công tác điều trị Methadone trên địa bàn huyện. Thời gian qua, trong cộng đồng xã hội nói chung, Điện Biên Đông nói riêng, đã ghi nhận những dấu hiệu tích cực từ việc điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Sau khi điều trị ổn định, nhiều bệnh nhân đã tích cực lao động, sản xuất, phát triển kinh tế; nhiều hộ đã thoát nghèo, mua được xe máy và các vật dụng có giá trị trong gia đình… Nếu như việc bệnh nhân bỏ điều trị Methadone vẫn tiếp tục diễn ra, sẽ dẫn đến tình hình mất an ninh trật tự trên các địa bàn; tình trạng trộm cắp, các tệ nạn khác tiếp tục tái diễn, nguy cơ lây nhiễm HIV sẽ tăng cao…

Tìm giải pháp cho vấn đề này, Bác sỹ Ngô Hồng Long, cho biết: Trước mắt, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các xã, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người nghiện ma túy đi điều trị thay thế bằng Methadone. Mặt khác, duy trì bệnh nhân bằng cách hướng dẫn cho họ cách làm kinh tế, cách kiếm tiền chân chính để có tiền điều trị, hoặc giới thiệu cho họ những nơi đang cần lao động để họ đi làm thuê. Thời gian qua, nhờ hướng dẫn của cán bộ trung tâm, nhiều bệnh nhân từ các xã ra huyện uống Methadone đã kết hợp một công đôi việc. Họ mang theo những sản phẩm, thực phẩm của gia đình, địa phương mình có như: rau xanh, bí ngô, lu cở, cung nỏ… bán đổ cho tiểu thương để kiếm thêm chút ít thu nhập.

Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Ngọc La, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông, cho biết: Huyện cũng đang rất quan tâm việc hiện nay bệnh nhân điều trị Methadone bỏ ngày một nhiều. Nếu không vào cuộc thì hiệu quả điều trị Methadone sẽ thấp và sẽ sinh ra nhiều tệ nạn xã hội, dẫn đến tình hình thêm phức tạp. UBND huyện đã họp bàn, thống nhất chủ trương giao cho Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội rà soát lại xem những gia đình bệnh nhân nào thực sự khó khăn để huyện có phương án hỗ trợ, nhưng với điều kiện bệnh nhân phải cam kết tham gia điều trị đầy đủ để đạt hiệu quả cao. Theo tính toán sơ bộ, nếu như số người nghiện trên địa bàn huyện đều đi uống Methadone, với mức đóng lệ phí 10.000 đồng/người/ngày như hiện nay, thì số tiền hỗ trợ cho các bệnh nhân lên tới 3 tỷ đồng/năm. Do vậy, huyện không có nhiều tiền để hỗ trợ tất cả các bệnh nhân, mà chỉ hỗ trợ cho những bệnh nhân đặc biệt khó khăn; các bệnh nhân khác vẫn phải tự lo liệu lệ phí cấp phát thuốc cho việc điều trị của mình.

Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy bằng thuốc thay thế Methedone huyện Điện Biên Đông, khai trương và đi vào hoạt động từ tháng 5/2015. Những ngày đầu cơ sở chỉ có chưa đầy 30 bệnh nhân đăng ký điều trị sử dụng thuốc. Đến thời điểm này, Trung tâm đang duy trì điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methedone cho trên 200 bệnh nhân. Trong đó, số bệnh nhân tại cơ sở điều trị của trung tâm trên 100 người, còn lại là bệnh nhân tại cơ sở cấp phát Mường Luân. Làm thế nào để tiếp tục duy trì số lượng bệnh nhân đang điều trị và tuyên truyền vận động thêm các bệnh nhân tham gia uống Methadone đang là vấn đề khó khăn đặt ra đối với đội ngũ cán bộ Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội huyện. Trong khi đó, sự quan tâm, vào cuộc của chính quyền xã, thôn, bản đến công tác điều trị Methadone của người bệnh còn hạn chế; việc tuyên truyền đến từng thôn, bản, từng gia đình có người nghiện để vận động điều trị Methadone chủ yếu do cán bộ của Trung tâm Y tế và Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội huyện thực hiện. Công tác quản lý đối tượng nghiện ma túy bằng hồ sơ, sổ sách trên địa bàn hiện nay còn lỏng lẻo; nhiều khi các bệnh nhân bỏ điều trị Methadone rời khỏi địa bàn đi đâu đó, làm gì, địa phương cũng không nắm được; chỉ đến khi cán bộ trung tâm gọi điện hoặc xuống tận nơi tìm hiểu thì cơ sở mới biết.

Để duy trì thực hiện tốt hoạt động của cơ sở điều trị và cơ sở cấp phát thuốc Methadone, giúp thuận tiện cho bệnh nhân trong việc điều trị, ông Ngô Hồng Long, Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội huyện Điện Biên Đông bày tỏ mong muốn: Cấp trên sớm có quyết định chuyển đổi trung tâm thành cơ sở điều trị nghiện tự nguyện, khi đó cơ sở vật chất được xây dựng khang trang, bệnh nhân có nhu cầu sẽ được ăn ở tại cơ sở, việc quản lý sẽ dễ dàng hơn. Đồng thời, mong tỉnh sớm triển khai điều trị Methadone bằng thuốc viên, thay thế cho thuốc nước như hiện nay. Nếu thực hiện được điều này, bệnh nhân không cần phải ngày nào cũng đến trung tâm uống thuốc, mà có thể lĩnh thuốc về nhà uống, mỗi tuần chỉ cần đến trung tâm 1 hoặc 2 lần. Và tiến tới có thể phát thuốc đến tận bản, tận nhà cho các bệnh nhân.

Mục tiêu của điều trị Methadone là cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người nghiện ma túy, hỗ trợ người nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng; giảm hành vi vi phạm pháp luật, gây mất trật tự an toàn xã hội; đồng thời góp phần làm giảm sự lây nhiễm HIV trong cộng đồng… Bởi vậy, để người nghiện ma túy hiểu rõ được điều này và tích cực tham gia điều trị, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng gia đình. Đây không chỉ là công việc của riêng ngành Y tế, mà rất cần sự chung tay của toàn xã hội, nhất là sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền cơ sở...

Bài, ảnh: Linh Giang
Bình luận
Back To Top