Y tếPhòng, chống HIV

Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

14:00 - Thứ Hai, 08/05/2017 Lượt xem: 5730 In bài viết
ĐBP - Lây truyền HIV từ mẹ sang con là nguyên nhân phổ biến gây nhiễm HIV ở trẻ dưới 15 tuổi. Tuy nhiên, nếu phụ nữ mang thai nhiễm HIV được chăm sóc và điều trị dự phòng kịp thời thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con sẽ giảm.

HIV lây truyền từ mẹ sang con có thể xảy ra rất sớm, ngay khi người mẹ mang thai được 8 tuần và trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên, tỷ lệ lây truyền HIV qua rau thai cao vào thời kỳ tuổi thai được trên 18 tuần. Khi bánh rau có vấn đề như bị nhiễm khuẩn làm tổn hại đến bánh rau thì vi rút HIV có thể di chuyển qua bánh rau vào thai nhi. Có khoảng 20 - 30% số trẻ được sinh ra từ người mẹ nhiễm HIV từ mẹ ở giai đoạn này. HIV còn lây truyền từ mẹ sang con ở giai đoạn chuyển dạ, nguyên nhân là do trẻ đi qua đường sinh dục của mẹ để ra ngoài đã tiếp xúc trực tiếp với dịch âm đạo mà HIV có rất nhiều trong máu và dịch âm đạo của người mẹ. Có khoảng 50 - 60% trẻ bị nhiễm HIV trong giai đoạn này. Tuy nhiên nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con trong khi sinh sẽ tăng lên trong trường hợp đẻ khó, chuyển dạ kéo dài, thai nhi bị xây xước, sang chấn. Sau khi sinh trẻ vẫn có thể nhiễm HIV trong quá trình bú sữa mẹ, vì trong sữa mẹ có nhiều vi rút HIV, vi rút xâm nhập qua các vết nứt ở núm vú của người mẹ, khi trẻ có các tổn thương ở niêm mạc miệng. Hiện nay chưa có vắc xin phòng HIV/AIDS nhưng việc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sẽ làm giảm đáng kể tỷ lệ trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ. Theo số liệu thống kê nếu không điều trị dự phòng thì cứ 100 trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV sẽ có khoảng 25 - 40 trẻ sẽ bị nhiễm HIV, nhưng nếu các bà mẹ được điều trị dự phòng thì chỉ có 3 - 10 trẻ bị nhiễm HIV, tuỳ theo thời điểm bắt đầu dùng thuốc và việc tuân thủ điều trị. Để phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, phụ nữ mang thai cần đến cơ sở y tế để được tư vấn và xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt để biết mình có nhiễm HIV hay không để được hướng dẫn sử dụng thuốc điều trị dự phòng sớm giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con.

 

Lấy máu xét nghiệm cho thai phụ để phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Với phụ nữ nhiễm HIV: Trước khi mang thai cần đến cơ sở y tế thăm khám sức khỏe và tư vấn của bác sỹ khi mang thai nên sinh con tại cơ sở y tế để được nhân viên y tế giúp đỡ, hạn chế tình trạng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đối với trẻ được sinh ra từ mẹ nhiễm HIV cũng được uống xiro NVP ngay sau khi sinh đến 6 tuần tuổi. Tư vấn cho người mẹ về nguy cơ lây truyền HIV khi cho trẻ bú sữa mẹ, tốt nhất là nuôi trẻ bằng sữa thay thế nếu có điều kiện. Trường hợp không có điều kiện sử dụng sữa thay thế các bà mẹ có thể cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong thời gian đầu, sau đó cai sữa sớm và chuyển sang ăn dặm để giảm nguy cơ lây truyền HIV cho trẻ. Chế độ dinh dưỡng đối với phụ nữ mang thai rất quan trọng, nhất là đối với phụ nữ nhiễm HIV khi mang thai có nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng và tử vong, do phải chống chọi với HIV và các nhiễm trùng cơ hội khác. Dinh dưỡng cho bà mẹ nhiễm HIV khi mang thai có vai trò quan trọng đối với sự sống còn của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Chế độ dinh dưỡng cần được quan tâm và bắt đầu càng sớm càng tốt. Đồng thời, trong quá trình mang thai, các bà mẹ cần: Khám thai định kỳ để đánh giá tình trạng sức khỏe của mẹ, sự phát triển của thai nhi cũng như tình trạng dinh dưỡng của mình để có một chế độ dinh dưỡng hợp lý; ăn đa dạng các loại thức ăn, giàu chất dinh dưỡng, không nên sử dụng những chất kích thích như: rượu, bia tỏi ớt; nghỉ ngơi nhiều hơn bình thường, đặc biệt vào 3 tháng cuối; uống viên sắt axit folic từ khi có thai đến sau đẻ 1 tháng, bổ sung vitmian A trong vòng 1 tháng sau khi sinh, tiêm phòng vacxin uốn ván đầy đủ, đúng lịch... Tham gia vào chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con càng sớm càng tốt để được nhận điều trị ARV cũng như tư vấn về dinh dưỡng và nuôi dưỡng trẻ nhiễm HIV.

Bài, ảnh: Anh Sáu (T4G)
Bình luận
Back To Top