Y tếPhòng, chống HIV

Tạo thế “kiềng ba chân” phòng, chống HIV/AIDS

10:17 - Thứ Tư, 06/09/2017 Lượt xem: 2821 In bài viết
Tình hình HIV/AIDS có diễn biến phức tạp, nguồn viện trợ giảm, Việt Nam đang chủ động huy động các nguồn lực để phòng, chống "căn bệnh thế kỷ". Các nhà nghiên cứu xã hội cho rằng, nguồn lực để phòng, chống hiểm họa này sẽ được huy động tối đa khi có sự liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhân dân, tạo thành thế “kiềng ba chân” vững chắc.

Tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ

Theo thống kê chưa đầy đủ, nước ta có hơn 200 nghìn người có HIV, trong đó có gần 90 nghìn người đang ở giai đoạn AIDS; gần 90 nghìn người đã tử vong. Để phòng, chống HIV/AIDS, ngoài hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nước ta đã thực hiện nhiều chương trình chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người có HIV. Đến nay, chương trình điều trị bằng Methadone được triển khai ở hầu hết các tỉnh, thành phố, góp phần điều trị cho hơn 50 nghìn lượt người có HIV. Nhờ đó, nước ta đã đạt mục tiêu “ba giảm” là giảm số người có HIV, giảm số người chuyển sang AIDS và giảm số người chết vì AIDS. 

 

Bác sĩ Bệnh viện 09 (huyện Thanh Trì) kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân đang điều trị Methadone.

Đáng mừng hơn, nhận thức của người dân về hiểm họa này ngày càng được nâng cao, số người mới phát hiện có HIV giảm xuống. Nhiều người có HIV tự tin vui sống, hòa nhập xã hội, trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. 

Trên thực tế, tốc độ lây lan HIV ở nước ta tuy có giảm, nhưng hiểm họa còn nguyên khi nhóm đối tượng có nguy cơ cao là những người nghiện ma túy, hoạt động mại dâm chưa giảm. Thậm chí, tình trạng lây nhiễm HIV đang xảy ra nhiều trong nhóm người dễ bị tổn thương như vợ, chồng, bạn tình của người có HIV, người tiêm chích ma túy. Trong hoàn cảnh đó, nguồn lực dành cho HIV/AIDS nhẽ ra phải được tăng cường thì lại đang bị cắt, giảm. 

Ông Hoàng Đình Cảnh (Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế) cho biết, tổng các nguồn viện trợ cho công tác phòng, chống HIV tại Việt Nam đang bị cắt giảm - từ 100 triệu USD vào năm 2012 xuống còn 40 triệu USD vào năm 2019. Trong giai đoạn 2015-2020, nước ta cần xấp xỉ 12 nghìn tỷ đồng để phòng, chống HIV, trong khi khả năng huy động chỉ có thể đạt gần 9 nghìn tỷ đồng. Như vậy, nguồn lực thiếu hụt lên tới hơn 3 nghìn tỷ đồng, tương đương với 26%. 

Bà Rodelyn Marte, Giám đốc Liên minh các tổ chức dịch vụ về AIDS tại Châu Á - Thái Bình Dương cảnh báo, hiểm họa HIV/AIDS đã từng bùng nổ ở một số nước trên thế giới sau khi các nguồn lực phòng, chống bị cắt giảm.

Phát huy vai trò của các tổ chức xã hội 

Cho rằng cộng đồng có vai trò không thể thay thế trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị các ngành, địa phương quan tâm tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động phòng, chống; tạo điều kiện để các thành phần kinh tế đầu tư phát triển dịch vụ chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân. 

“Ngoài nguồn ngân sách, Nhà nước cần có giải pháp huy động nguồn lực xã hội, huy động mọi thành phần tham gia vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung, phòng, chống HIV nói riêng”, ông Đặng Thuần Phong nói.

Đồng quan điểm nói trên, ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) khẳng định, các tổ chức xã hội chính là cầu nối giữa người dân với các cơ quan hoạch định chính sách, hỗ trợ tích cực cho các đối tượng yếu thế tiếp cận với chính sách. Bởi thế, các ngành, địa phương nên nghiên cứu, tìm ra hoạt động ổn định, bền vững cho hàng nghìn tổ chức xã hội đang hoạt động tương đối hiệu quả. Ông Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam gợi ý, kinh phí phòng chống HIV/AIDS có thể huy động từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân, cho nên các tổ chức xã hội cần liên kết, vận động để có thể tiếp cận và huy động nguồn lực này.

Bà Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng kiến cộng đồng cũng cho rằng, Nhà nước nên có chính sách, cơ chế tạo điều kiện cho các tổ chức này tiếp cận và huy động nguồn lực trong nước.

Chủ động phòng, chống HIV/AIDS, UBND TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước đã xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể. Theo Kế hoạch số 185/KH-UBND về phòng, chống HIV trên địa bàn Hà Nội, UBND TP Hà Nội yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về HIV/AIDS, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người có HIV, đồng thời tiến hành can thiệp nhằm giảm tác hại cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao. 

Đó là giải pháp cần có để thực hiện mục tiêu đã được đề ra là phấn đấu đến năm 2020, Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác có thể khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức dưới 0,3%, giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. 

Tuy nhiên, ngoài giải pháp tuyên truyền, vận động, để đạt được mục tiêu trên, điều quan trọng là phải tạo nguồn lực tài chính và nguồn lực xã hội cho công tác này, trong đó, sự liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhân dân, tạo thành thế “kiềng ba chân” vững chắc để phòng, chống HIV/AIDS là quan trọng nhất.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top