Y tếPhòng, chống HIV

Thêm hy vọng cho bệnh nhân HIV/AIDS

10:05 - Thứ Sáu, 10/11/2017 Lượt xem: 3951 In bài viết
ĐBP - Theo số liệu của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, toàn tỉnh hiện có trên 3.400 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó gần 3.000 người đang được điều trị bằng thuốc kháng vi rút  HIV (thuốc ARV). Bằng những nỗ lực tìm, vận động, hỗ trợ người bệnh của ngành Y tế và các chương trình, dự án, tỉ lệ người nhiễm HIV được tiếp cận điều trị ngày càng cao, là yếu tố quan trọng để tỉnh tiến đến gần hơn mục tiêu 90 - 90 - 90 về phòng, chống HIV/AIDS.

Anh Ð.C.T, xã Mường Nhà (huyện Ðiện Biên) là thanh niên hiền lành, chăm chỉ làm ăn. Năm 2015, anh phát hiện mình nhiễm HIV, đây là chuyện không ngờ tới đối với tất cả người thân của anh. Khi nhận kết quả dương tính với HIV, anh T. cũng choáng váng, không tin vào tai mình. Tiếp đó là ngày tháng dằn vặt, ân hận vì trót lỡ bị bạn bè rủ rê thử tiêm chích ma túy chung bơm kim tiêm, để rồi không chỉ tai họa ập đến với bản thân mà vợ anh cũng bị lây HIV từ chồng. “Tưởng như không còn hy vọng nào cho tương lai nhưng nhờ được tư vấn, tham gia điều trị ARV và tuân thủ điều trị, vợ chồng anh vẫn khỏe mạnh như những người bình thường và may mắn là con gái anh không mắc căn bệnh giống bố mẹ” - anh T. chia sẻ.

 

Nhân viên tiếp cận cộng đồng trò chuyện, tư vấn phòng, chống HIV/AIDS cho anh Ð.C.T (bên phải).

Không riêng anh T., trên địa bàn huyện Ðiện Biên có 967 người, chiếm 90,48% trong tổng số người nhiễm bệnh trong diện quản lý đang được điều trị ARV. Số chưa điều trị là những bệnh nhân không có mặt thường xuyên tại địa bàn. Phần lớn bệnh nhân phát hiện được bệnh và kết nối điều trị đều nhờ công sức nhiều lần đến tận nhà trò chuyện, chia sẻ, tư vấn, đưa đi xét nghiệm hoặc làm xét nghiệm tại chỗ của lực lượng nhân viên tiếp cận cộng đồng, cán bộ, nhân viên các chương trình, dự án phi lợi nhuận. Dù được phát hiện bệnh từ “kênh” nào, bệnh nhân cũng đều được các cơ sở y tế tiếp nhận điều trị một cách tích cực. Ông Cà Văn Nội, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: “Bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn huyện có sức khỏe ổn định, yên tâm làm kinh tế, tham gia các hoạt động xã hội; phụ nữ mang thai nhiễm HIV được can thiệp dự phòng lây truyền kịp thời đều sinh ra con khỏe mạnh”. Ngoài sự góp sức của ngành Y tế và các tổ chức liên quan, chính quyền huyện Ðiện Biên cũng luôn quan tâm sát sao đến vấn đề này, hàng năm trích ngân sách địa phương hỗ trợ chi phí truyền thông phòng, chống HIV/AIDS 70 triệu đồng. Nhờ vậy người dân hiểu hơn về HIV/AIDS, góp phần kiềm chế nguy cơ lây truyền bệnh trong cộng đồng.

Trên địa bàn toàn tỉnh cũng vậy, nhận thức về căn bệnh từng được coi là “đại dịch” đã được nâng lên. Ðể làm được điều ấy, 10/10 huyện, thị, thành phố trong tỉnh có phòng khám ngoại trú dành cho bệnh nhân HIV/AIDS (OPC); 54 xã, phường có thể làm xét nghiệm phát hiện bệnh mà không cần lên tuyến trên… Mỗi năm trong toàn tỉnh trung bình xét nghiệm HIV cho hàng chục nghìn lượt người có nguy cơ. Ðặc biệt, vào dịp tết nguyên đán những người làm công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Ðiện Biên vẫn miệt mài đến từng bản, đi từng nhà tranh thủ người dân đi làm ăn xa về để tuyên truyền, tư vấn, vận động những trường hợp có nguy cơ cao làm xét nghiệm phát hiện bệnh (nếu có). Sau đó tận tình giúp người bệnh đăng ký điều trị hoặc giới thiệu chuyển gửi đến nơi người đó làm việc (ngoài địa bàn). Nhờ nỗ lực ấy, mỗi kỳ nghỉ tết năm 2016, 2017, Ðiện Biên phát hiện mới khoảng 100 trường hợp nhiễm HIV. 9 tháng năm 2017, tỉnh ta cũng phát hiện thêm 214 trường hợp nhiễm mới HIV.

Mặc dù công tác điều trị ARV vẫn luôn được triển khai rất ổn định trên địa bàn tỉnh nhưng các nguồn lực tài trợ chăm sóc, điều trị miễn phí cho người nhiễm HIV/AIDS từ quốc tế đang bị cắt giảm và sẽ kết thúc vào cuối năm 2017. Từ năm 2018, các chi phí cho công tác trên sẽ do quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán, chi trả. Ðể người bệnh an tâm điều trị, không hoang mang, bỏ dở giữa chừng gây nhiều vấn đề xã hội, ngày 20/9 vừa qua UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 23/2017 hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm y tế và chi phí cùng chi trả sử dụng thuốc kháng vi rút HIV đối với người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Trong đó mức hỗ trợ cùng chi trả cho người nhiễm HIV có thẻ BHYT lên tới 100%. Quyết định có hiệu lực từ 1/1/2018. Ông Vũ Hải Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: Với đặc thù miền núi, phần lớn người nhiễm bệnh trên địa bàn tỉnh là đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình hộ nghèo, cận nghèo, sinh sống ở vùng cao, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Nhờ công tác vận động, tạo điều kiện của các cơ quan, cấp chính quyền, đến nay, trên 85% người nhiễm HIV/AIDS đã có thẻ BHYT, gần 15% còn lại chưa có là do không sinh sống ổn định tại địa bàn hoặc có thẻ nhưng sai thông tin, đang triển khai làm lại. Vì vậy, sau khi nguồn viện trợ bị cắt giảm, việc điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS trong tỉnh sẽ vẫn diễn ra như bình thường, không bị xáo trộn; đảm bảo phục vụ tốt, giữ hy vọng cho người bệnh và công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn. 

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận
Back To Top