Y tếPhòng, chống HIV

Nỗ lực kiểm soát HIV trong cộng đồng

08:46 - Thứ Tư, 10/01/2018 Lượt xem: 3835 In bài viết
ĐBP - Ngôi nhà khá kiên cố tại tổ dân phố 13, phường Thanh Bình (TP. Ðiện Biên Phủ) cửa đóng then cài hơn 1 năm nay vì chủ nhân mắc căn bệnh từng được coi là “đại dịch” HIV/AIDS. Chủ nhân của ngôi nhà anh T.  qua đời khi tuổi đời vừa cập 40. Gần 1 năm sau, người vợ là chị L. cũng ra đi vì lây HIV từ chồng. Ðứa con gái duy nhất may mắn thoát khỏi HIV nhưng vì cha mẹ đều đã qua đời nên được ông bà nội đưa về quê nuôi nấng… Thảm cảnh vì HIV/AIDS của gia đình anh T. và chị L. cũng là hoàn cảnh chung của rất nhiều gia đình khác ở Ðiện Biên khi toàn tỉnh có tới 9.280 người có “H”. Nỗi đau, gánh nặng không chỉ với bệnh nhân mang trong mình căn bệnh này mà trở thành gánh nặng chung cho gia đình, xã hội và để lại nhiều hệ lụy…

 

Bệnh nhân uống methadone tại Cơ sở điều trị methadone Noong Bua (TP. Ðiện Biên Phủ).

Tại 9/9 xã, phường trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ hiện đều đã có người nhiễm HIV với 838 trường hợp. Ðến thời điểm này, số còn sống và quản lý là 334 người, 684 người chuyển sang giai đoạn AIDS. Trong đó số bệnh nhân AIDS còn sống 180 người và 504 người tử vong. Qua phân tích của cơ quan chức năng cho thấy, đối tượng lây nhiễm HIV trên địa bàn thành phố có xu hướng trẻ hóa, với gần 60% tổng số người nhiễm HIV còn sống nằm trong độ tuổi 20 - 39; đang có sự chuyển đổi về “con đường” lây nhiễm, trong đó lây nhiễm HIV qua đường tình dục không an toàn tăng lên, ảnh hưởng trực tiếp đến phụ nữ và trẻ em. Trong khi kiến thức về phòng, chống lây nhiễm HIV ở một bộ phận người dân còn hạn chế. Nhằm giảm thiểu số trường hợp lây nhiễm, cùng với đẩy mạnh truyền thông thay đổi hành vi, TP. Ðiện Biên Phủ phối hợp với ngành Y tế tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng, chống HIV bằng những việc làm cụ thể thông qua các hoạt động dự phòng chăm sóc, điều trị và hỗ trợ người nhiễm HIV từ nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế (Dự án FHI, Quỹ toàn cầu…)

Với Ðiện Biên - tỉnh trọng điểm về ma túy và HIV/AIDS, qua giám sát hành vi trong nhóm nghiện chích ma túy và mại dâm còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm tăng lây nhiễm HIV. Số người nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma túy còn cao. Chủ yếu rơi vào đồng bào dân tộc ít người sinh sống tại các địa bàn vùng núi, vùng sâu, vùng xa, nơi nhận thức và kiến thức về HIV còn nhiều hạn chế. Việc ngăn ngừa và giảm thiểu số người sử dụng ma túy nhằm giảm thiểu số người nhiễm HIV/AIDS được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu được tỉnh ta đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, hiện mới có 2.741 bệnh nhân được điều trị cai nghiện ma túy thay thế bằng methadone - kết quả này là quá ít so với tổng số 9.280 người nghiện ma túy (có hồ sơ quản lý) trên địa bàn.

Nhằm triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh hướng tới mục tiêu 90-90-90, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư <0,6%. Ðiện Biên chú trọng hoạt động truyền thông thay đổi hành vi kiến thức về HIV/AIDS. Trong năm 2017 các cơ quan chức năng trên địa bàn đã tập trung truyền thông, ưu tiên nhóm người có nguy cơ cao, nhóm tuổi thanh thiếu niên, phụ nữ sinh đẻ, nhóm dân tộc ít người, khu vực biên giới. Cung cấp kiến thức về HIV/AIDS, không kỳ thị - phân biệt đối xử với HIV/AIDS tạo điều kiện cho người nhiễm và gia đình người nhiễm phát triển kinh tế, tái hòa nhập cộng đồng. Cùng với đó là tăng cường các hoạt động đưa cán bộ y tế về cơ sở, đặc biệt là các địa bàn vùng khó để đẩy mạnh công tác truyền thông về dự phòng HIV, giúp người dân hiểu lợi ích của việc điều trị HIV sớm. Ưu tiên các hoạt động tăng cường tìm kiếm ca mới trong mạng lưới đối tượng nguy cơ cao; tìm kiếm ca cũ để kết nối điều trị qua cán bộ y tế xã, thôn; củng cố liên kết cộng đồng - cơ sở điều trị; triển khai các đợt tiếp cận, tư vấn xét nghiệm và điều trị ARV lưu động… Kết thúc năm 2017, toàn tỉnh đặt mục tiêu: 100% xã/phường có người nhiễm HIV quản lý được người nhiễm HIV; 90% người nhiễm HIV trong cộng đồng được phát hiện và báo cáo; 90% người nghiện chích ma túy sử dụng bơm kim tiêm sạch; 130/130 xã/phường/thị trấn triển khai chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Ðiều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone cho 60% đối tượng nghiện ma túy; 100% người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế; 95% người nhiễm HIV còn sống, được điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV); 100% huyện, thị xã, thành phố có dịch vụ điều trị và chăm sóc HIV/AIDS; 100% người nhiễm HIV mới phát hiện (quản lý tại các phòng khám điều trị ngoại trú) được điều trị dự phòng; 90% phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV.

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top