Y tếPhòng, chống HIV

Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con

15:07 - Thứ Hai, 30/07/2018 Lượt xem: 3255 In bài viết
Phần lớn số trẻ dưới 15 tuổi nhiễm HIV là do lây truyền từ mẹ. Tuy nhiên, nếu bà mẹ được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả thì tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con chỉ còn từ 2 đến 6%, thậm chí là 0%. Do vậy, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giảm đáng kể tỷ lệ trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ.

Lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong ba con đường chính (chiếm từ 25 đến 40%) làm lây truyền HIV/AIDS. Nếu không được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, cứ 100 bà mẹ nhiễm HIV mang thai sẽ có 35 trẻ sinh ra nhiễm HIV từ mẹ. Nhưng nếu được điều trị dự phòng chỉ có khoảng năm trẻ sinh ra bị căn bệnh này từ mẹ. Theo thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), năm 2017, số phụ nữ có thai là hơn 2,7 triệu người, trong đó số phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV là gần 1,4 triệu người (50,2%), phát hiện nhiễm HIV là 1.108 người; tỷ lệ HIV dương tính trong nhóm chẩn đoán sớm trong vòng hai tháng sau sinh là 1,8%. Mới có 53% số phụ nữ mang thai sinh con được làm xét nghiệm từ trước và trong mang thai. Năm 2017, có 1.959 mẹ được điều trị ARV, trước mang thai là 1.166 người, trong thời kỳ mang thai là 428 người, trong thời kỳ chuyển dạ là 365 người.

 
 Nhân viên y tế tư vấn điều trị dự phòng cho bệnh nhân HIV/AIDS tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Hải Dương.

Tuy đạt được kết quả tích cực, song công tác phòng, chống lây nhiễm HIV từ mẹ sang con đang gặp nhiều thách thức. Hiện nay, tỷ lệ phụ nữ mang thai đã sinh con được làm xét nghiệm trước và trong quá trình mang thai thấp (ở mức 53%) khiến cho công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con chưa phát huy hiệu quả cao nhất. Sự kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn là rào cản cho việc tiếp cận dịch vụ phòng lây truyền mẹ con. Bên cạnh đó, việc phối hợp trong phòng, chống lây truyền mẹ con chuyển đầu mối sang hệ sức khỏe sinh sản thực hiện ở một số tỉnh còn lúng túng.

Phó Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) Hoàng Đình Cảnh cho biết: Nhờ sự phát triển của công tác điều trị, mà tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con đã giảm đáng kể. Ngay cả khi bố mẹ đều nhiễm HIV vẫn có thể sinh ra những đứa con hoàn toàn khỏe mạnh và không bị nhiễm HIV nếu mẹ sớm được dùng thuốc kháng vi-rút (ARV) và tuân thủ việc nuôi con theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Chính vì vậy, tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2018 vừa qua (từ ngày 1 đến 30-6) có chủ đề “Xét nghiệm HIV sớm - Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2020”, đã nhấn mạnh việc tăng cường cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV cho phụ nữ mang thai, cung cấp thuốc ARV cho phụ nữ nhiễm HIV bao gồm phụ nữ nhiễm HIV mang thai); đẩy mạnh các can thiệp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con…

HIV mất bảy, tám năm để chuyển sang giai đoạn AIDS. Vì vậy, rất nhiều trường hợp nhiễm HIV khi tới giai đoạn cuối mới phát hiện điều trị thì đã muộn. Việc điều trị dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con khi mang thai có ý nghĩa rất quan trọng giúp cho đứa trẻ sinh ra không nhiễm HIV dù mẹ bị nhiễm. Theo ThS Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Trưởng phòng điều trị HIV/AIDS (Cục Phòng chống HIV/AIDS), trong quá trình mang thai, phụ nữ sẽ được dùng các loại thuốc kháng HIV có tác dụng ngăn sự nhân lên để làm giảm số lượng vi-rút HIV trong cơ thể người mẹ giảm nguy cơ truyền sang con. Ngoài ra, thuốc kháng HIV cũng giúp điều trị và bảo vệ sức khỏe cho bà mẹ.

Nếu một người phụ nữ mang thai phát hiện nhiễm HIV ở ba tháng đầu của thai kỳ cần được điều trị sớm. Thai phụ sẽ được uống thuốc sớm và tuân thủ điều trị theo nguyên tắc 5Đ (uống thuốc đều, đúng giờ, đúng chỉ định, đúng cách). Khi thai phụ đã uống thuốc đúng, cần xét nghiệm máu từ 3 đến 6 tháng/lần, tải lượng vi-rút dưới 200 bản sao thì nguy cơ lây sang con sẽ thấp. Việc xét nghiệm HIV ngay khi biết mình mang thai trong quý đầu của thai kỳ hoặc ngay lần khám thai đầu tiên điều trị thuốc sẽ giảm mức độ nặng của bệnh cho mẹ và phòng lây truyền từ mẹ sang con.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top