Y tếPhòng, chống HIV

Cai nghiện ma túy còn nhiều khó khăn

09:49 - Thứ Tư, 12/12/2018 Lượt xem: 13421 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ người nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng. Song, do nhiều nguyên nhân khác nhau, công tác cai nghiện vẫn còn nhiều vướng mắc.

 

Bệnh nhân uống methadone tại Cơ sở Ðiều trị methadone phường Noong Bua (TP. Ðiện Biên Phủ).

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay toàn tỉnh có hơn 9.100 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Tính đến hết tháng 10/2018, toàn tỉnh đã tổ chức cai nghiện ma túy cho 739 người tiếp nhận mới. Trong đó, cai nghiện tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh: 182 người, gồm 53 người tự nguyện và 129 người bắt buộc. Cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cho 557 người. Bên cạnh đó, duy trì điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện cho 160 bệnh nhân tại các cơ sở điều trị nghiện bằng thuốc methadone do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý.

Ðể tăng cường công tác quản lý người nghiện ma túy và cai nghiện ma túy, trong năm 2018, các cấp, ngành đã ban hành gần 100 kế hoạch, văn bản về công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện. Tuy nhiên, hiện nay công tác cai nghiện; đặc biệt là cai nghiện và quản lý sau cai nghiện tại gia đình, cộng đồng vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, chưa hiệu quả. Theo thống kê, đến hết tháng 10/2018, trên địa bàn toàn tỉnh chỉ có 53/739 người cai nghiện ma túy thành công; trong đó 16 người có thời gian không tái sử dụng ma túy từ 1 - 2 năm và 37 người có thời gian không tái sử dụng ma túy từ 3 năm trở lên. Như vậy, vẫn còn 686 người mặc dù được đưa đi cai nghiện hoặc cai nghiện tại gia đình và cộng đồng nhưng không thành công; trong đó, tập trung chủ yếu vào số người cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Vì thế năm 2018, công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng chỉ đạt 74% kế hoạch đề ra.

Nguyên nhân công tác cai nghiện chưa hiệu quả chủ yếu do ý chí của người cai nghiện. Nhiều người nghiện ma túy không có ý thức cai nghiện mà bị ép nên họ bỏ dở, không tuân thủ đúng, đủ phác đồ điều trị, không hợp tác với các cán bộ điều trị nên thời gian cai nghiện kéo dài, không đạt hiệu quả. Theo quy định, trách nhiệm đăng ký cai nghiện tự nguyện thuộc về người nghiện ma túy và gia đình có người nghiện, song thực tế, hầu như việc này không được thực hiện. Vì thế, việc vận động đối tượng cai nghiện tại gia đình, cộng đồng rất khó khăn. Thậm chí, nhiều thân nhân người nghiện ma túy và chính người nghiện vẫn còn tư tưởng đi đăng ký tình trạng nghiện sẽ bị bắt đưa đi cai nghiện tập trung. Cùng với đó, điều kiện cơ sở vật chất, nhân sự, kinh phí, chế độ, chính sách cho công tác cai nghiện tại cộng đồng chưa được quan tâm, bố trí phù hợp. Ðơn cử như hỗ trợ về y tế, Nghị định 94/2010/NÐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 9/9/2010 về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng nêu rõ: “Cơ sở y tế cấp xã, bác sĩ điều trị cắt cơn có trách nhiệm khám sức khỏe ban đầu, làm hồ sơ bệnh án cho người nghiện; xét nghiệm để chuẩn bị điều trị cắt cơn. Ðồng thời, xây dựng kế hoạch điều trị, cai nghiện phù hợp với từng đối tượng...”. Tuy nhiên tính đến thời điểm này, điều này không khả thi, đặc biệt thiếu các dụng cụ, máy móc hỗ trợ trong xét nghiệm. Bên cạnh đó, nguyên nhân do một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thực sự quyết tâm cao trong triển khai nhiệm vụ cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng; công tác tuyên truyền, vận động còn hạn chế… Do đó, đối với hình thức cai nghiện ma túy tại nhà và cộng đồng, người nghiện ma túy không bị kiểm soát chặt chẽ như tại các Trung tâm, dễ có cơ hội tiếp xúc trở lại với ma túy nên có những địa phương tỷ lệ tái nghiện hơn 90%, thậm chí 100%.

Ðể công tác cai nghiện, nhất là cai nghiện tại gia đình và cộng đồng đạt hiệu quả cao, thời gian tới các ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền về công tác cai nghiện ma túy; vận động đưa người nghiện đi cai tại các cơ sở tập trung. Nêu cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở, các tổ chức đoàn thể xã hội, gia đình trong việc quản lý, giúp đỡ người nghiện sau cai nghiện; phòng, chống tái nghiện, đảm bảo 100% người nghiện sau cai nghiện thường xuyên được quản lý, tư vấn và tham gia lao động tại gia đình, cộng đồng.

Bài, ảnh: Phong Vân
Bình luận
Back To Top