Y tếPhòng, chống HIV

Ðể phòng, chống HIV/AIDS hiệu quả

09:22 - Thứ Hai, 22/04/2019 Lượt xem: 4358 In bài viết

ĐBP - Mặc dù đã có nhiều nỗ lực cùng sự quan tâm đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS nhưng tỷ lệ người nhiễm mới trên địa bàn tỉnh ta hàng năm vẫn khá cao, tình trạng người bệnh bỏ điều trị vẫn còn. Ðể hạn chế sự lây lan của HIV/AIDS, ngành Y tế tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp mới, thiết thực và sâu sát tới từng nhóm nguy cơ cao.

 

Ðiều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone là một trong những chương trình nhằm can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS. Trong ảnh: Người bệnh uống thuốc tại Cơ sở Ðiều trị Methadone Noong Bua, TP. Ðiện Biên Phủ.

Tính đến hết năm 2018, tỉnh ta có lũy tích gần 7.300 trường hợp nhiễm HIV, còn sống quản lý được gần 3.430 người (185 trường hợp nhiễm mới được phát hiện trong năm). Con đường lây truyền chủ yếu là đường máu (45,95%) và đường tình dục (47,57%), độ tuổi có tỷ lệ nhiễm HIV cao nhất là 20 - 39 tuổi, chiếm 71%. Cùng với việc duy trì tích cực hệ thống dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, giám sát và can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm thì công tác phát hiện mới, đưa vào chăm sóc điều trị được quan tâm đặc biệt. Bác sĩ Hoàng Xuân Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Hàng năm, vào dịp tết Nguyên đán, khi mọi người nghỉ ngơi, sắm sửa chuẩn bị đón tết thì những cán bộ y tế phòng, chống HIV/AIDS phải tham gia chiến dịch tiếp cận xét nghiệm và điều trị lưu động cho đối tượng đi làm ăn xa về nghỉ tết. Năm vừa rồi thực hiện tại 47 trạm y tế xã, phường thuộc 8 huyện, thị gồm: TP. Ðiện Biên Phủ, huyện Ðiện Biên, Ðiện Biên Ðông, Mường Ảng, Tuần Giáo, Mường Lay và Nậm Pồ. Kết quả đã tiếp cận và tư vấn xét nghiệm sàng lọc HIV cho 1.750 người, trong đó phát hiện 10 ca dương tính với HIV; 92 bệnh nhân được kết nối đưa vào điều trị (trong đó có những ca đã có khẳng định nhiễm HIV nhưng chưa được đăng ký điều trị, ca đã điều trị ARV nhưng bỏ trị và ca mới xét nghiệm phát hiện nhiễm)”. Ngoài ra, ngành Y tế đã thực hiện sàng lọc lao cho 3.084 bệnh nhân bởi lao HIV rất phức tạp và có phác đồ điều trị riêng; xét nghiệm HIV cho 13.942/12.000 phụ nữ mang thai và phát hiện 4 trường hợp dương tính với HIV.

Ðể xét nghiệm, chẩn đoán chính xác và nhanh chóng đưa bệnh nhân vào điều trị, trên địa bàn tỉnh ta duy trì hoạt động 9 phòng xét nghiệm khẳng định nhiễm HIV; 12 phòng tư vấn xét nghiệm HIV tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS và các huyện thị. Các phòng chẩn đoán HIV có kết quả trong 1,5 giờ và đưa bệnh nhân vào điều trị ngay tránh mất dấu; góp phần giúp bệnh nhân yên tâm điều trị, thuốc kháng vi rút (ARV) và xét nghiệm tải lượng vi rút vẫn đang được các dự án tài trợ. Trong năm 2018 có 435 người nhiễm HIV được cấp thẻ BHYT miễn phí (trong đó mua từ nguồn kinh phí của tỉnh cấp là 75 thẻ; từ nguồn Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS là 360 thẻ). Ðến nay toàn tỉnh có hơn 3.400 người nhiễm HIV có thẻ BHYT (chiếm 100%); năm 2018 có 2.853 người nhiễm HIV/AIDS được khám chữa bệnh và thanh toán BHYT. Cùng với đó, Khoa Phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) còn là đầu mối vận động các ban ngành, các tổ chức, các doanh nghiệp hỗ trợ kinh tế và tinh thần cho người nhiễm và người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, góp phần xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử với HIV/AIDS. Cụ thể, huy động duy trì hỗ trợ hàng tháng cho 4 trẻ nhiễm HIV mồ côi cha, mẹ đến khi trẻ đủ 18 tuổi; hỗ trợ kết nối cho 1 trẻ học nghề miễn phí tại trường KOTO Hà Nội thời gian 2 năm (2017-2019); quyên góp ủng hộ và tặng nhiều quần áo, suất quà tết, nhân dịp 1/6 cho người nhiễm và người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS…

Không chỉ làm tốt công tác điều trị, dự phòng lây nhiễm, các tuyến y tế còn thực hiện 113 buổi truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS trực tiếp tại cộng đồng cho 7.806 lượt người nghe, hỗ trợ 20 lần phát thanh tại tuyến xã và hỗ trợ xây dựng 3 kịch bản về công tác phòng chống HIV/AIDS. Với những nỗ lực đó, nhận thức và sức khỏe người nhiễm HIV/AIDS được nâng lên rõ rệt, minh chứng qua việc từ năm 2016 - 2018 có gần 4.870 bệnh nhân điều trị ARV được xét nghiệm tải lượng vi rút, số có kết quả xét nghiệm tải lượng vi rút dưới ngưỡng (<1.000 bản sao/ml) là 4.562 bệnh nhân chiếm 93,7%; trên ngưỡng (> 1.000 bản sao/ml) là 307 bệnh nhân chiếm 6,3%. Ðiều đó đồng nghĩa với việc sức khỏe người nhiễm ổn định, đảm bảo hơn và hạn chế sự lây nhiễm cho cộng đồng.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top