Xã hộiPhòng chống thiên tai

Khó di dời dân ra khỏi vùng sạt lở vì thiếu vốn

08:34 - Thứ Năm, 20/05/2021 Lượt xem: 3391 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, toàn tỉnh có 3 - 4 điểm dân cư sống tập trung có nguy cơ sạt lở cần phải di chuyển đến nơi ở mới an toàn trước khi mùa mưa tới. Tuy nhiên, việc thực hiện các dự án di dân tái định cư cần nguồn vốn lớn, tỉnh ta không đủ khả năng bố trí mà phải phụ thuộc ngân sách Trung ương. Do đó, ít nhất từ 2 - 3 năm tới, các địa phương có các điểm nguy cơ sạt lở và hộ dân trong khu vực nguy cơ vẫn phải triển khai các giải pháp tạm thời nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.

Đê đất được xã Pa Thơm đắp tạm thời nhằm hạn chế đất, đá sạt lở xuống bản Pa Xa Xá.

Năm 2018, 2019 khu vực bản Pa Xa Xá, xã Pa Thơm (huyện Điện Biên) đã xảy ra hiện tượng sạt lở, đá lăn từ trên núi xuống khu dân cư; hơn 62 hộ dân với gần 300 nhân khẩu sinh sống tại đây cần phải di dời đến địa điểm mới. Song đến nay việc di dời vẫn chưa thể thực hiện.

Được biết, UBND huyện Điện Biên đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng dự án di chuyển và bố trí tái định cư tập trung cho các hộ dân bản Pa Xa Xá tại một vị trí khác an toàn, dự kiến tại khu vực đồi Phắc Ven, cách trung tâm xã Pa Thơm khoảng 1km; tổng mức đầu tư dự án khoảng 30 - 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án, huyện Điện Biên gặp 2 khó khăn lớn: Một là khu vực đồi Phắc Ven thuộc tiểu khu 737, khoảnh 8, với diện tích khoảng 6,5ha là phạm vi quy hoạch rừng phòng hộ, trạng thái DT2 nên phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ để chuyển đổi mục đích sử dụng. Khó khăn thứ hai là nguồn vốn thực hiện dự án quá lớn, vượt quá khả năng của huyện Điện Biên và của tỉnh.

Ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên cho biết: Đối với nguồn vốn thực hiện dự án, UBND huyện đề xuất sử dụng vốn theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Như vậy nếu dự án được phê duyệt thì sẽ được triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025. Do đó trong thời gian đợi dự án được phê duyệt, bố trí vốn thực hiện, 1 - 2 năm tới UBND huyện sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và chính quyền xã Pa Thơm tiếp tục triển khai các phương án tạm thời để đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân bản Pa Xa Xá.

Trên địa bàn huyện Điện Biên Đông có 2 điểm: bản Mường Tỉnh A (xã Xa Dung) và bản Tìa Dình C (xã Tìa Dình) nằm trọn trong cung trượt lớn, nguy cơ sạt lở rất cao. Khó khăn hiện nay trong thực hiện di dời dân và các cơ quan khỏi khu vực mất an toàn cũng là vấn đề kinh phí.

Ông Nguyễn Quốc Tiến, Giám đốc Ban Quản lý Dự án các công trình huyện Điện Biên Đông cho biết: Hiện nay, 2 dự án tái định cư 2 bản Tìa Dình C và Mường Tỉnh A đã hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục và trình lên UBND tỉnh phê duyệt. Đối với điểm Tìa Dình C sẽ thực hiện nhiều hạng mục từ xây dựng trụ sở UBND xã, trường tiểu học, nhà văn hóa, điện, đường giao thông nội bộ, công trình nước sinh hoạt, tạo mặt bằng để bố trí tái định cư cho trên 100 hộ dân… Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 150 tỷ đồng. Đối với điểm Mường Tỉnh A, dự án đầu tư xây dựng điểm tái định cư có thể dung nạp toàn bộ các hộ dân thuộc khu vực nguy cơ sạt lở và các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ cuộc sống người dân sau tái định cư; tổng mức đầu tư dự án khoảng 20 tỷ đồng. Huyện đang đề xuất sử dụng nguồn vốn theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 và nguồn cân đối ngân sách địa phương. Nếu nguồn vốn được bố trí đủ, kịp thời thì các dự án cũng cần khoảng 2 - 3 năm để hoàn thành.

Về vấn đề đảm bảo an toàn cho người dân, ông Lầu A Sá, Chủ tịch UBND xã Xa Dung cho biết: Trong trường hợp các hộ không có quỹ đất để di chuyển, mùa mưa năm nay UBND xã sẽ thành lập tổ công tác giúp người dân di chuyển tạm tài sản đến nơi an toàn để tránh những sự cố bất ngờ do mùa lũ, thiên tai. Đối với Dự án tái định cư, UBND xã đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị chuyên môn của huyện để thực hiện các bước chuẩn bị theo đúng quy trình.

Tương tự, do ảnh hưởng mưa lũ năm 2015, Trung tâm xã Huổi Só (huyện Tủa Chùa) xuất hiện 2 vết nứt do sụt lún, chiều dài trung bình các vết nứt từ 70 - 100m, chiều rộng từ 3 - 5m. Vết nứt này làm nứt vỡ mặt sân bê tông, chân tường rào trụ sở UBND xã, trường mầm non, trường tiểu học, bưu điện xã; gây nứt tường và nền nhà làm việc Trạm Y tế xã. Ngoài ra, cung trượt còn gây ảnh hưởng đến 10 hộ dân sống xung quanh. UBND huyện Tủa Chùa đã lập tờ trình đề nghị UBND tỉnh xem xét chủ trương đầu tư xây dựng Dự án di chuyển khu hành chính xã Huổi Só (gồm: UBND xã, trường học, trạm y tế, bưu điện và 10 hộ dân) ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở với tổng kinh phí dự kiến hơn 41 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XIV đã thông qua nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 và điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2019, trong đó huyện Tủa Chùa bị cắt giảm toàn bộ vốn thực hiện Dự án di chuyển khu hành chính xã Huổi Só. Được biết, giai đoạn 2021 - 2025, huyện Tủa Chùa tiếp tục đưa dự án vào danh mục đầu tư công để thực hiện. Trong thời gian chờ dự án được triển khai, xã Huổi Só phải chủ động các phương án đảm bảo an toàn tạm thời.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top