Xã hộiPhòng chống thiên tai

Thực hiện khẩn trương, hiệu quả công tác phòng chống thiên tai năm 2021

11:44 - Thứ Sáu, 04/06/2021 Lượt xem: 2019 In bài viết

ĐBP - Ngày 4/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) năm 2021. Đồng chí Lò Văn Tiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Điện Biên.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Điện Biên.

Năm 2020, thiên tai diễn ra dồn dập và đặc biệt khốc liệt, mang nhiều yếu tố dị thường, vượt mức lịch sử trên nhiều vùng miền cả nước; đã xảy ra 16/21 loại hình thiên tai, trong đó có 14 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới, 265 trận giông, lốc sét; 120 trận lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại đồng bằng sông Cửu long. Thiên tai đã làm 257 người chết và mất tích; hơn 3.400 nhà sập, trên 333.000 nhà bị hư hại, tốc mái; trên 198.000ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 52.000 con gia súc và 4,1 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Tổng thiệt hại trên 39.962 tỷ đồng. Thiên tai còn ảnh hưởng môi trường sống, sức khỏe, sản xuất và đời sống nhân dân, cản trở giao thương, làm gián đoạn việc ung cấp dịch vụ thiết yếu tại nhiều khu vực. Điển hình từ ngày 20 – 21/7/2020, tỉnh Hà Giang xảy ra mưa lớn, trong đó tại TP. Hà Giang lượng mưa 24 giờ đạt tới 347mm, lớn nhất theo số liệu quan trắc trong vòng 60 năm. Mưa lũ kèm theo sạt lở đất đã làm 5 người chết, hư hỏng nặng 2 nhà máy thủy điện và nhiều cơ sở hạ tầng khác, tổng thiệt hại 80 tỷ đồng. Đặc biệt, chỉ trong vòng 45 ngày từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10, mưa lũ xảy ra tại khu vực Trung Bộ khiến 267 người chết và gây thiệt hại 35.800 tỷ đồng.

Công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả đã được các cấp, các ngành và người dân thực hiện chủ động, kịp thời và hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại, sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống tại các khu vực chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, thiệt hại còn lớn, nhất là thiệt hại về người; tình trạng chia cắt, cô lập khi có tình huống thiên tai chưa được khắc phục; năng lực theo dõi giám sát thiên tai, cứu hộ, cứu nạn còn hạn chế.

Năm 2021, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT triển khai những nhiệm vụ trọng tâm: Tổ chức triển khai đồng bộ, thống nhất, có hiệu lực, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với công tác PCTT&TKCN, đặc biệt là trong điều kiện dịch bệnh Codvid-19 đang diễn biến phức tạp; hoàn thiện hệ thống pháp chế, cơ chế, chính sách về phòng ngừa ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai đảm bảo kịp thời, đủ độ tin cậy…

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá cao sự tích cực, chủ động vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong công tác PCTT & TKCN, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Dự báo, các tháng còn lại năm 2021 có khả năng xuất hiện khoảng 12 – 14 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông; lũ trên các sông phổ biến ở mức BĐ1 – BĐ2 và trên BĐ2. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương; các bộ, ngành, địa phương đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo khẩn cấp khắc phục 230 trọng điểm đê điều, 200 hồ chứa nước xung yếu; chỉ đạo duy trì nghiêm chế độ ứng trực 24/24 giờ tại các cấp; hoàn thành sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Sửa đổi, bổ sung Luật PCTT và Luật Đê điều; kiểm tra, rà soát các tuyến đường giao thông, cầu, cống không đủ khẩu độ hoặc gây cản trở thoát lũ. Các địa phương kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai các cấp, phân công cụ thể cho các thành viên; quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất ven biển, ven sông; xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm, sử dụng trái phép gây cản trở thoát lũ và ảnh hưởng đến an toàn công trình đê điều.

Tin, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top