Xã hộiPhòng chống thiên tai

Khắc phục hậu quả sau thiên tai

08:34 - Thứ Hai, 21/06/2021 Lượt xem: 1694 In bài viết

ĐBP - Địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng của nhiều hình thái thiên tai, đặc biệt là mưa lớn, rét đậm, rét hại, giông lốc, sét, mưa đá… gây ảnh hưởng và thiệt hại nhiều về tài sản. Từ năm 2020 đến nay, thiên tai đã làm thiệt hại hơn 270 tỷ đồng tài sản của Nhà nước và Nhân dân; làm chết 6 người, 7 người bị thương. Riêng 5 tháng đầu năm 2021, thiên tai đã gây thiệt hại hơn 7,1 tỷ đồng, khiến 2 người chết, 1 người bị thương; 323 nhà ở bị thiệt hại; gần 30,4ha lúa; hơn 4,5ha hoa màu bị thiệt hại; 442 con gia súc bị chết… Các địa phương trong tỉnh đã nhanh chóng huy động lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, sơ tán dân, phối hợp khắc phục hậu quả sau thiên tai, sớm ổn định đời sống nhân dân.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tây Trang giúp người dân bản Ca Hâu (xã Na Ư, huyện Điện Biên) di chuyển tài sản tới nơi an toàn trong trận mưa lớn đầu tháng 8/2020. Ảnh tư liệu

Nhằm nâng cao năng lực chỉ huy, điều hành, xử lý tình huống, sự cố tại chỗ hiệu quả, tỉnh đã tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh ứng phó thiên tai kịp thời đến cán bộ quản lý các cấp và cộng đồng dân cư; nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng để phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng tránh thiên tai của người dân. Khai thác, vận hành hợp lý các công trình thuỷ lợi, đặc biệt là những công trình hồ chứa thuỷ lợi, thủy điện đảm bảo vừa chống lũ vừa có đủ nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, phát điện. Phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh phê duyệt nhằm nâng cao năng lực ứng phó với các rủi ro thiên tai. Cùng với đó, tỉnh cũng tập trung huy động mọi nguồn lực để chủ động ứng phó có hiệu quả trước mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra.

Năm 2020 tỉnh được Trung ương hỗ trợ 45 tỷ đồng khắc phục hậu quả, phục hồi tái thiết sau thiên tai. Đến nay đã phân bổ kinh phí thực hiện 5 công trình khắc phục hậu quả thiên tai, đó là: Công trình kè chống sạt lở bảo vệ khu dân cư, đất sản xuất và công trình công cộng suối Huổi Lé, bản Phủ, xã Noong Hẹt (huyện Điện Biên); công trình kè bảo vệ đất sản xuất và khu dân cư C9, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên); kè bảo vệ đất sản xuất và dân cư tổ dân phố 1 + 2 thị trấn Mường Chà (huyện Mường Chà); kè bảo vệ Trường Tiểu học xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) và công trình sửa chữa hệ thống tường bao Trung tâm Khuyến nông, giống cây trồng, vật nuôi xã Thanh Yên (huyện Điện Biên). Bằng nguồn ngân sách địa phương và các nguồn xã hội hóa khác, tỉnh đã hỗ trợ hơn 36,6 tỷ đồng để khắc phục hậu quả thiên tai tại các huyện, thị xã, thành phố; trong đó hỗ trợ khắc phục các công trình bị thiệt hại gần 30 tỷ đồng; hỗ trợ thiệt hại về nhà, trường học, xử lý đá lăn, mua máy bơm chống hạn hơn 3,2 tỷ đồng, hỗ trợ sản xuất gần 1,9 tỷ đồng, hỗ trợ di dời 76 hộ dân ra khỏi vùng ảnh hưởng thiên tai trên 1,5 tỷ đồng và hỗ trợ cứu đói cho người dân vùng thiên tai hơn 127,8 triệu đồng.

Các địa phương trong tỉnh chủ động phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” gắn với xây dựng cộng đồng an toàn, thực hiện tiêu chí an toàn về phòng chống thiên tai trong xây dựng nông thôn mới, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã. Năm 2020 toàn tỉnh có 111/115 xã đạt tiêu chí đảm bảo yêu cầu về phòng chống thiên tai; 129/129 xã, phường, thị trấn thành lập đội xung kích phòng chống thiên tai. Tỉnh cũng làm tốt việc quán triệt sâu sắc và tuyên truyền rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về công tác phòng chống thiên tai; nâng cao nhận thức, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và mỗi người dân trong phòng chống thiên tai...

Ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận định, do biến đổi khí hậu toàn cầu, các thiên tai có nguồn gốc khí tượng thuỷ văn diễn biến phức tạp. Vì vậy đòi hỏi các cấp, ngành, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp mình, ngành mình phù hợp với tình hình thực tế. Phối hợp đồng bộ, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ, đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết khí hậu thuỷ văn để làm tốt công tác dự báo, cảnh báo, triển khai thực hiện kế hoạch hành động phòng chống thiên tai, kịp thời ứng phó, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả nhằm bảo vệ, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước, Nhân dân khi có thiên tai xảy ra. Để chủ động ứng phó với diễn biến, tình hình thiên tai các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức kinh tế - xã hội, lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn chủ động rà soát, xây dựng, cập nhật, bổ sung, phê duyệt kế hoạch phòng chống thiên tai, phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền kết hợp giữa phương thức truyền thống với truyền thông đa phương tiện để hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai phổ biến để chuyển tải thông tin chính xác, kịp thời về thời tiết, cảnh báo rủi ro thiên tai đến các cấp chính quyền và người dân, đặc biệt chú trọng đến các đối tượng dễ bị tổn thương.

Minh Thùy
Bình luận
Back To Top