Xã hộiPhòng chống thiên tai

Mường Chà chủ động các phương án phòng, chống thiên tai

08:42 - Thứ Hai, 09/08/2021 Lượt xem: 1619 In bài viết

ĐBP - Với địa hình chủ yếu là đồi núi dốc, chia cắt bởi nhiều khe, suối, núi cao nên Mường Chà là địa bàn có nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng nề do thiên tai, bão lũ. Vì thế, hàng năm công tác chuẩn bị phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) luôn được huyện quan tâm, triển khai thực hiện.

Vớt củi trên sông, suối là một trong những nguy cơ gây tai nạn thương tích mùa mưa lũ. Trong ảnh: Người dân vớt củi trên sông Nậm Mức (đoạn qua xã Na Sang, huyện Mường Chà).

Nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, ngay từ đầu năm huyện Mường Chà đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên. Đồng thời chỉ đạo xây dựng, đảm bảo lực lượng, phương tiện ứng cứu theo phương án “4 tại chỗ”. Trong đó, huy động dân quân tự vệ, lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn… tham gia công tác PCTT&TKCN. Tiến hành kiểm tra, rà soát, xác định những khu vực có nguy cơ về lũ, lũ quét, sạt lở đất… để xây dựng phương án PCTT&TKCN sát với tình hình của từng xã, từng đơn vị, nhằm xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống có thể xảy ra.

Trên cơ sở dự báo các loại hình thiên tai có khả năng xảy ra, huyện đã xác định những khu vực trọng điểm có nguy cơ cao bị ảnh hưởng, như: Mường Tùng, Huổi Lèng, Sa Lông, Mường Mươn, Na Sang và thị trấn Mường Chà. Hiện nay, có khoảng gần 110 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do lũ, sạt lở đất. Tuy nhiên, do kinh phí hạn chế, địa hình dốc, bị chia cắt mạnh, nên việc bố trí quỹ đất của các xã còn nhiều khó khăn nên đến nay các hộ dân này vẫn chưa thể di dời. Trước thực trạng trên, huyện Mường Chà đã chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động rà soát những điểm xung yếu, có nguy cơ sạt lở, bị ngập úng, lũ quét, các đập, ngầm qua suối để xây dựng phương án bảo vệ, di dời khi cần thiết. Đối với những điểm có nguy cơ sạt lở, huyện chỉ đạo các xã cắm biển cảnh báo, thông báo cho Nhân dân biết phạm vi ảnh hưởng của sạt lở để chủ động phòng tránh, di dời đến nơi an toàn. Các phương án chuẩn bị thuốc men, khử trùng vệ sinh môi trường, xử lý và phòng chống dịch bệnh sau thiên tai cũng đã được lên kế hoạch cụ thể, chi tiết.

Được xác định là một trong những địa bàn thuộc vùng trọng điểm có nguy cơ sạt lở đất, Huổi Lèng cũng là xã có số hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ bị sạt lở đất nhiều nhất huyện với 47 hộ tập trung tại 2 bản Huổi Toóng 1 và Huổi Toóng 2. Được biết, UBND huyện Mường Chà đã chọn được địa điểm tái định cư cách nơi ở cũ của các hộ dân khoảng 1km. Tuy nhiên, theo ông Thào A Phừ, Chủ tịch UBND xã Huổi Lèng thì việc di dời dự kiến phải đến cuối năm 2021 mới triển khai. Do đó, để đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng cho người dân, xã đã phân công cán bộ trực, chủ động theo dõi diễn biến thời tiết; vận động bà con đến ở nhờ nhà anh em, họ hàng khi có mưa lớn kéo dài. Những tài sản có giá trị lớn như: Trâu, bò, thóc… xã hỗ trợ lực lượng cùng người dân di chuyển gửi nhờ những nơi an toàn. Đồng thời cắm biển cảnh báo tại các vị trí nguy hiểm, thông báo cho nhân dân biết phạm vi ảnh hưởng của sạt lở để người dân chủ động phòng tránh.

Không riêng Huổi Lèng, để chủ động phòng chống thiên tai, các xã trên địa bàn huyện Mường Chà đã kiện toàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN; tổ chức rà soát, xây dựng phương án ứng phó với thiên tai sát với thực tế của địa phương. Ví dụ tại 2 xã Na Sang và Mường Mươn có suối lớn chảy qua, cùng với triển khai các giải pháp phòng, chống mưa lũ, sạt lở đất theo chỉ đạo của huyện, các xã còn thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân không đi vớt củi vào những ngày nước lớn để đảm bảo an toàn tính mạng.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top