Xã hộiPhòng chống thiên tai

Củng cố lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai

09:03 - Thứ Hai, 06/12/2021 Lượt xem: 2107 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các địa phương trong tỉnh đã thành lập, kiện toàn đội xung kích cấp xã tham gia xử lý các sự cố, ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra. Tuy nhiên, tại một số nơi còn thiếu sự thống nhất về cơ cấu tổ chức, trang thiết bị làm việc và cơ chế, chính sách nên gặp khó khăn khi triển khai nhiệm vụ, có nơi hoạt động còn mang tính hình thức.

Lực lượng dân quân xã Thanh Minh (TP. Điện Biên Phủ) tham gia diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng.

Thực hiện Quyết định 08/QĐ-TWPCTT ngày 27/3/2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai ban hành hướng dẫn xây dựng và củng cố đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã, đến nay toàn tỉnh có 127/129 xã, phường, thị trấn đã thành lập và củng cố đội xung kích phòng, chống thiên tai. Trong đó, số xã có đội xung kích theo hướng dẫn là 124 xã, với tổng số gần 6.500 thành viên tham gia, thành phần chủ yếu là công an, dân quân tự vệ, thanh niên, phụ nữ.

Đội xung kích là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống thiên tai bước đầu ngay tại cơ sở. Điển hình tại huyện Điện Biên Đông, từ đầu mùa mưa lũ năm 2021 đến nay, mưa lớn, dông, lốc đã làm 227 ngôi nhà bị thiệt hại; hơn 10ha lúa nước và lúa nương bị rụng hạt; 926m kênh thủy lợi bị sạt lở, đứt gãy, sụt lún; hơn 2.700m đường giao thông bị ảnh hưởng... tổng thiệt hại ước tính hơn 6,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trọng Huế, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên Đông, thì nhờ lực lượng xung kích có mặt kịp thời giúp nhân dân vùng xảy ra thiên tai khắc phục, sửa chữa nên bà con nhanh chóng ổn định đời sống.

Theo đánh giá của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cơ bản các đội xung kích đã và đang phát huy hiệu quả, tích cực tuyên truyền về phòng, chống thiên tai, trực tiếp tham gia ứng phó khi thiên tai xảy ra và hỗ trợ khắc phục hậu quả ban đầu. Tuy nhiên, trong quá trình củng cố, xây dựng lực lượng xung kích tại một số địa phương lực lượng này còn hạn chế kiến thức, thông tin về thiên tai, thiếu kỹ năng về ứng phó các tình huống thiên tai nên trong quá trình thực hiện còn gặp một số hạn chế. Các đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã tuy đã được thành lập nhưng chưa được đào tạo, nâng cao năng lực, thiếu các trang thiết bị để phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn, diễn tập...

Để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng xung kích tại cơ sở, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, chủ động trong phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai; đồng thời thực hiện quy định của Luật Phòng chống thiên tai, Chỉ thị 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, các cấp cần căn cứ điều kiện thực tế và loại hình, diễn biến, phương án ứng phó thiên tai của địa phương để chỉ đạo xây dựng, củng cố lực lượng xung kích phòng chống thiên tai bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, không làm phát sinh bộ máy, tránh hình thức, lãng phí. Bên cạnh đó, cần tập trung tập huấn kiến thức, nâng cao năng lực và từng bước trang bị công cụ, phương tiện cần thiết cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã, bảo đảm hiệu quả, an toàn khi thực thi nhiệm vụ. Bố trí ngân sách địa phương, Quỹ Phòng chống thiên tai và huy động các nguồn lực hợp pháp khác phục vụ công tác đào tạo, tập huấn và bảo đảm chế độ chính sách cho lực lượng xung kích khi được huy động thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời rà soát, rút kinh nghiệm, kiện toàn bảo đảm về số lượng, chất lượng lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã; xây dựng kế hoạch, bảo đảm khả năng sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ ngay tại cơ sở, góp phần giảm nhẹ rủi ro do thiên tai gây ra.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top