Thế giới hợp tác chống khủng bố

00:00 - Chủ Nhật, 10/01/2016 Lượt xem: 1436 In bài viết
Ngày 9-1, Cơ quan phối hợp phân tích đe dọa (OCAM) của Bỉ quyết định tiếp tục duy trì cảnh báo ở mức 3 trên khắp nước này và nhấn mạnh mối đe dọa an ninh là “có thể” và “có thể xảy ra”. Trong lúc này, các biện pháp đề phòng khủng bố riêng lẻ và hợp tác giữa các nước lớn đồng loạt được triển khai.

Tìm thấy dấu vết của Salah Abdeslam

Cả nước Bỉ trong tình trạng báo động sau khi cảnh sát nước này phát hiện ra 3 đai bom, kíp nổ và vân tay của Salah Abdeslam tại một căn hộ ở thủ đô Brussels (Bỉ). Y chính là đối tượng đang bị truy nã gắt gao do nghi ngờ liên quan đến loạt vụ khủng bố tại Paris làm 130 người chết hồi tháng 11-2015. Việc phát hiện ra dấu vết trên càng tăng thêm bằng chứng cho thấy vụ tấn công khủng bố tại Paris đã được lên kế hoạch ban đầu tại Bỉ. Chính phủ Bỉ đã thông qua việc duy trì quân đội nhằm đảm bảo an toàn cho một số địa điểm và trụ sở cơ quan. Quyết định này được áp dụng cho tới ngày 20-1 với số lượng khoảng 700 binh sĩ. Người dân được cảnh báo không nên tới chỗ tập trung đông người. Trong khi đó, lực lượng cảnh sát và quân cảnh được tăng cường trên các đường phố, nhà ga và sân bay.

Bỉ tiếp tục duy trì cảnh báo ở mức 3 trên khắp nước này.

Ngày 8-1, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tuyên bố tiến hành vụ đánh bom xe ngày 7-1 nhằm vào trung tâm huấn luyện cảnh sát ở thành phố Zilten, miền Tây Libya, làm hơn 50 người thiệt mạng và 100 người bị thương. IS nói rằng chiến dịch này sẽ không ngừng lại cho đến khi toàn bộ Libya được “giải phóng”. Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã lên án vụ tấn công của IS tại Libya là một hành động “tàn ác” và cho rằng những kẻ chịu trách nhiệm phải bị đưa ra xét xử. Cùng ngày, IS cũng tuyên bố đã tiến hành vụ tấn công nhằm vào du khách Israel tại Cairo nhằm đáp lại lời kêu gọi tấn công người Do Thái “ở khắp mọi nơi” của thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi.

Nối lại hoạt động tình báo

Trong bối cảnh quan ngại về an ninh đang bao trùm châu Âu sau các vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Paris (Pháp), cũng như âm mưu đánh bom liều chết bị phát hiện ở thành phố München của Đức trong đêm giao thừa vừa qua, Cục Tình báo Liên bang Đức (BND) đã nối lại việc hợp tác giám sát hoạt động mạng Internet với Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) sau thời gian ngừng hợp tác vì vụ bê bối gián điệp.

Tại Washington, Nhà Trắng tuyên bố sẽ thành lập một lực lượng đặc nhiệm mới và tăng cường hợp tác với giới công nghệ để đẩy mạnh cuộc chiến chống các chiến dịch tuyên truyền và chiêu mộ của lực lượng IS. Người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Ned Price khẳng định các vụ tấn công đẫm máu tại Paris và San Bernardino (Mỹ) trong những tháng cuối năm 2015 đã cho thấy Mỹ, các đồng minh quốc tế cũng như lĩnh vực tư nhân cần phải hành động mạnh tay hơn nữa để ngăn chặn hoạt động chiêu mộ của IS. Cụ thể, Mỹ sẽ thành lập Lực lượng đặc nhiệm chống bạo lực cực đoan, một đơn vị mới trực thuộc Bộ Tư pháp và Bộ An ninh Nội địa, làm nhiệm vụ điều phối các nỗ lực chống khủng bố trong nước. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng sẽ cắt giảm các chiến dịch chống khủng bố thiếu hiệu quả, thay vào đó tập trung đầu tư hỗ trợ chương trình chống khủng bố của các đối tác trong cộng đồng quốc tế, cả chính phủ và phi chính phủ.

Trong bối cảnh quan ngại trong cộng đồng người dân đang ngày một lên cao tại Mỹ về việc IS, Al-Qaeda cũng như các tổ chức khủng bố khác có thể sử dụng công nghệ để mở rộng tầm ảnh hưởng trên mạng Internet, thoát khỏi con mắt của các cơ quan tình báo cao cấp nhất của Mỹ, giới chức an ninh cấp cao của Mỹ thông báo sẽ có cuộc gặp với các chuyên gia của Thung lũng Silicon. Mục đích của cuộc họp là nhằm tìm kiếm các cách thức hợp tác mới để ngăn chặn sự hiện diện của khủng bố hoặc tội phạm trên không gian mạng. Cụ thể là các biện pháp ngăn chặn khủng bố sử dụng Internet để chiêu mộ, tiêm nhiễm tư tưởng cực đoan và vận động những kẻ ủng hộ cũng như để lên kế hoạch và triển khai các âm mưu tấn công...

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top