Cộng đồng ASEAN: Thành công từ những nền móng vững chắc

00:00 - Thứ Ba, 12/01/2016 Lượt xem: 1586 In bài viết
Ngày 31-12-2015 đã trở thành thời điểm lịch sử trong tiến trình 48 năm hình thành và phát triển của Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (ASEAN) khi cả 10 nước ASEAN chính thức bước vào một giai đoạn phát triển mới: Cộng đồng ASEAN. Kể từ đây, 10 nước ASEAN đã cùng đi trên một con thuyền, cùng chung một vận mệnh.

Để đạt được dấu mốc lịch sử 31-12-2015, các nước ASEAN không ngừng nỗ lực, tăng tốc để đạt được các mục tiêu đã đề ra. Trong đó, năm 2015 được coi là năm bản lề của các nỗ lực hình thành Cộng đồng, với những kết quả hợp tác nổi bật nội khối và giữa ASEAN với các đối tác đối thoại.

Lễ ký Tuyên bố Kuala Lumpur về việc thành lập Cộng đồng ASEAN 2015 và Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.

Kết quả đậm nét nhất của ASEAN trong năm 2015 chính là việc Cộng đồng ASEAN chính thức thành lập ngày 31-12-2015, đặt dấu mốc lịch sử trong quá trình phát triển của ASEAN. Dựa trên ba trụ cột chính: Cộng đồng Chính trị-An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hoá-Xã hội, Cộng đồng ASEAN được kỳ vọng sẽ đưa Đông Nam Á trở thành một khu vực “gắn kết về chính trị, liên kết chặt chẽ về kinh tế và cùng chia sẻ trách nhiệm xã hội”.

Với nỗ lực không ngừng nghỉ, Tầm nhìn ASEAN 2025: “Cùng vững vàng tiến bước” được chính thức thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 27 (Kuala Lumpur, ngày 22-11-2015). Tiếp nối Tầm nhìn ASEAN 2020 (1997), Tuyên bố Hoà hợp ASEAN II (2003) và Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN 2009-2015 (2009), Tầm nhìn và các Kế hoạch tổng thể kèm theo đề ra những mục tiêu, phương hướng lớn cùng kế hoạch, biện pháp triển khai cụ thể nhằm hiện thực hoá mục tiêu liên kết và hội nhập sâu rộng hơn, xây dựng một Cộng đồng ASEAN “hoạt động chặt chẽ dựa trên luật lệ, thực sự hướng về người dân và lấy người dân làm trung tâm” vào năm 2025.

Năm 2015 đánh dấu việc ASEAN tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo ở khu vực, đặc biệt trong những vấn đề liên quan tới hoà bình và an ninh. Năm 2015, thông qua các công cụ và cơ chế hợp tác, ASEAN đã xử lý kịp thời và hữu hiệu những thách thức nổi lên như nạn di cư bất thường, mối đe doạ của chủ nghĩa cực đoan, thiên tai… Đặc biệt, tháng 09-2015, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã thông qua Kế hoạch công tác sửa đổi về Duy trì và Tăng cường Vai trò trung tâm ở khu vực, trong đó xác định nguyên tắc chỉ đạo cùng phương cách cụ thể nhằm bảo đảm vai trò của ASEAN trong cấu trúc hợp tác ở khu vực.

Trong năm bản lề hướng tới Cộng đồng, “hoà bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông” tiếp tục là chủ đề ưu tiên cao tại các diễn đàn của ASEAN. Các nước tiếp tục đề cao những vấn đề nguyên tắc liên quan bảo đảm hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; tôn trọng luật pháp quốc tế; kiềm chế và không sử dụng vũ lực; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình; khuyến khích ASEAN và Trung Quốc thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC và sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử (COC). Các nước cũng ngày càng chia sẻ quan ngại về những diễn biến, hành động phức tạp, làm “xói mòn lòng tin và gây phương hại tới hoà bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông”.

Cùng với đó, ASEAN đã có một năm chứng kiến bước chuyển biến mới của quá trình hội nhập và liên kết kinh tế khu vực. Kinh tế ASEAN trong năm 2015 ước đạt mức tăng trưởng 4,9%, cao hơn so với năm 2014 (ước đạt 4,4%). Cùng với Kế hoạch tổng thể xây dựng AEC 2016-2025, các cơ quan chuyên ngành đã thông qua hàng loạt chiến lược/kế hoạch nhằm tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực liên quan giai đoạn 2016-2025, như giao thông vận tải, năng lượng, nông nghiệp, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Quan hệ kinh tế-thương mại giữa ASEAN với các đối tác tiếp tục được mở rộng nhờ sự đóng góp của mạng lưới các FTA đã được thiết lập. Đáng chú ý, ASEAN và Trung Quốc đã hoàn tất đàm phán nâng cấp Hiệp định Tự do thương mại ASEAN-TQ (ACFTA), trong khi đàm phán xây dựng Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã đạt những tiến triển quan trọng và nhiều khả năng sẽ kết thúc trong năm 2016.

Trong lĩnh vực xã hội, ASEAN tiếp tục đặt trọng tâm hướng về người dân và lấy người dân làm trung tâm. Đây là chủ đề chủ đạo, xuyên suốt hầu hết các chương trình, hợp tác chuyên ngành của ASEAN, đặc biệt là các cơ chế và nỗ lực đồng bộ về phát triển nông thôn; xoá đói giảm nghèo; thúc đẩy các quyền và cơ hội cho phụ nữ, trẻ em, thanh niên; cải thiện điều kiện y tế; bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu… Lần đầu tiên, ASEAN đã tổ chức trao Giải thưởng Nhân dân ASEAN (APA) cho 10 tổ chức/cá nhân có đóng góp xuất sắc vào quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Bên cạnh đó, Kết nối ASEAN tiếp tục là nội dung được thúc đẩy mạnh mẽ trong chương trình nghị sự của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác. Đến nay, ASEAN các dự án cơ sở hạ tầng như Đường Cao tốc ASEAN, Đường sắt Singapore-Côn Minh, Mạng lưới Điện ASEAN, Hệ thống đường dẫn Khí ASEAN hay những thoả thuận Bầu trời Mở ASEAN, các hiệp định tự do hoá và thuận lợi hoá thương mại-đầu tư ASEAN, các chương trình hợp tác văn hoá, giáo dục, thể thao, du lịch v.v... đang ngày càng kết nối ASEAN một cách chặt chẽ trên cả ba khía cạnh cơ sở hạ tầng, thể chế và con người.

Năm 2015, các nước thành viên ASEAN cũng liên tục nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển trong khối. Việc triển khai Kế hoạch làm việc giai đoạn II (2009-2015) của Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) đã mang lại 341 dự án/hoạt động trị giá 46,6 triệu USD cho các nước ASEAN 4 (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam). Các dự án đã hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, phát triển nguồn nhân lực và đóng góp vào việc thực hiện các cam kết khu vực của các nước này. Trên cơ sở đó, ASEAN đã nhất trí xây dựng Kế hoạch làm việc tiếp theo giai đoạn sau 2015 theo hướng đồng bộ, chiến lược, khả thi và tập trung nhiều hơn vào các ưu tiên của các nước CLMV.

Trong quan hệ với bên ngoài, ASEAN và các đối tác có nhiều phát triển mới, làm sâu sắc hơn các quan hệ hiện có. Trong đó, ASEAN đã cùng sáu Đối tác (Canada, Trung Quốc, Ấn Độ, New Zealand, Hàn Quốc và Mỹ) hoàn thành Kế hoạch hành động tăng cường quan hệ hợp tác giai đoạn 2016-2020; nâng cấp quan hệ ASEAN-Mỹ và ASEAN- New Zealand lên Đối tác chiến lược.

Nhân dịp 10 năm Cấp cao Đông Á (2005-2015), Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) tháng 11-2015 đã thông qua Tuyên bố kỷ niệm trong đó tái khẳng định mục tiêu, tính chất cũng như xác định những biện pháp củng cố hơn nữa EAS thời gian tới, trong đó có việc lập Bộ phận EAS (EAS Unit) tại Ban Thư ký ASEAN. Tháng 8-2015, ASEAN quyết định cấp cho Na-uy quy chế Đối tác Đối thoại theo lĩnh vực, đánh dấu lần đầu tiên sau gần 20 năm ASEAN có thêm đối tác chính thức mới.

Cùng với các kết quả nổi bật trên tất cả các lĩnh vực, ASEAN đang thực thi đồng bộ nhiều biện pháp nhằm cải tiến bộ máy, phương thức hoạt động và tăng cường năng lực cho các cơ quan điều phối, như CPR, Ban Thư ký ASEAN. Đáng chú ý, sau quá trình cải tiến và sắp xếp lại, bộ máy mới của Ban Thư ký ASEAN sẽ chính thức vận hành năm 2016, và được kỳ vọng giúp cơ quan này đáp ứng những yêu cầu và nhiệm vụ ngày càng cao trong giai đoạn xây dựng Cộng đồng ASEAN 2016-2025.

Với những kết quả hợp tác quan trọng đã đạt được trong năm 2015, chúng ta hoàn toàn tin tưởng năm 2016 – năm đầu tiên cùng chung một vận mệnh, ASEAN sẽ tiếp tục đạt được những viên gạch thành công mới trong ngôi nhà Cộng đồng ASEAN.

Theo Nhân dân
Bình luận
Back To Top