Dư luận hoan nghênh việc dỡ bỏ trừng phạt I-ran

00:00 - Thứ Hai, 18/01/2016 Lượt xem: 2266 In bài viết
Theo Roi-tơ, Tân Hoa xã và TTXVN, sáng 17-1 (theo giờ Việt Nam), Mỹ đã dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt I-ran, trong đó có các hạn chế trong lĩnh vực ngân hàng, thép, vận chuyển hàng hóa và một số lĩnh vực khác áp dụng đối với I-ran trong suốt 20 năm qua.

Tương tự, Liên hiệp châu Âu (EU) cũng tuyên bố dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế chống I-ran. Các động thái nêu trên diễn ra ngay sau khi Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) công bố báo cáo khẳng định, Tê-hê-ran đã tuân thủ đúng các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân đạt được hồi tháng 7-2015. Như vậy, thỏa thuận lịch sử giữa I-ran và Nhóm P5+1 (gồm Nga, Mỹ, Pháp, Anh, Trung Quốc và Đức) mang tên Kế hoạch Hành động toàn diện chung chính thức có hiệu lực sau sáu tháng ký kết.

Đại diện của EU và I-ran công bố Kế hoạch hành động toàn diện chung có hiệu lực.

* Ngay lập tức, dư luận I-ran hoan nghênh sự kiện Mỹ và EU xoá các lệnh cấm vận kinh tế đối với I-ran. Tổng thống I-ran H.Ru-ha-ni gọi sự kiện lịch sử này là chiến thắng vẻ vang của đất nước và nhân dân I-ran, đồng thời tin tưởng nền kinh tế I-ran đã vượt qua sự nguy hiểm và từ nay kết nối với thế giới. Bộ trưởng Ngoại giao I-ran G.Da-ríp khẳng định, cả Tê-hê-ran và Nhóm P5+1 đều nỗ lực thực hiện đúng các điều khoản thỏa thuận, thể hiện ý chí ngoại giao bền bỉ của các bên trong việc giải quyết các vấn đề gai góc nhất và tìm ra giải pháp hiệu quả.

* Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun hoan nghênh các bên đã thực thi nghiêm thỏa thuận hạt nhân đạt được, đồng thời hy vọng sự thành công của thỏa thuận này sẽ là tiền đề góp phần duy trì sự ổn định, an ninh trong khu vực và tăng cường hợp tác quốc tế.

Người đứng đầu ngành ngoại giao các nước Đức, Pháp, Anh, Nga… đã ca ngợi đây là một thành công lịch sử trong lĩnh vực ngoại giao; hy vọng những kết quả tích cực trong giải quyết hồ sơ hạt nhân của I-ran sẽ giúp giải quyết nhiều điểm nóng ở khu vực, nhất là vấn đề Xy-ri, bằng con đường ngoại giao. Nhiều doanh nghiệp của Anh, Hàn Quốc, Pháp… cho biết sẽ mở rộng hoạt động tại I-ran trong thời gian tới.

* I-ran cho biết, nước này đã lên kế hoạch sử dụng hàng tỷ USD đang bị phong tỏa để nhập khẩu các hàng hóa thiết yếu, sau khi các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này được dỡ bỏ. Thống đốc Ngân hàng Trung ương I-ran V.Xê-íp tuyên bố, sau khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ, I-ran sẽ có thể tiếp cận ngay lập tức khoản tài chính trị giá 30 tỷ USD bị phong tỏa của nước này.

* Trong khi đó, I-xra-en vẫn giữ lập trường khác biệt. Bộ trưởng Các vấn đề chiến lược nước này G.Éc-đan cảnh báo, việc thực thi một thỏa thuận hạt nhân giữa I-ran và các cường quốc thế giới có thể gây nguy hiểm cho Trung Đông và sẽ không ngăn chặn được chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran. Thủ tướng I-xra-en B.Nê-ta-ni-a-hu đề nghị các cơ quan Liên hợp quốc và Nhóm P5+1 giám sát chặt chẽ việc thực thi thỏa thuận của I-ran để bảo đảm I-ran không phát triển vũ khí hạt nhân.

* Thủ tướng Pa-ki-xtan N.Sa-ríp dự kiến sẽ có chuyến công du tới A-rập Xê-út và I-ran hôm nay (18-1) trong một nỗ lực nhằm xoa dịu mối quan hệ đang căng thẳng giữa hai quốc gia này. Pa-ki-xtan có mối quan hệ tốt đẹp với cả A-rập Xê-út và I-ran. Các nhà lãnh đạo chính trị và các nghị sĩ Pa-ki-xtan đã kêu gọi chính phủ nước này làm trung gian hòa giải giữa hai nước nêu trên.

Theo Nhân dân
Bình luận
Back To Top