Hòa bình mờ mịt

00:00 - Thứ Hai, 15/02/2016 Lượt xem: 2155 In bài viết
Tiến trình hòa bình tại Syria đang đứng trước những nguy cơ mới khi Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia toan tính triển khai chiến dịch trên bộ tại quốc gia này.

Việc Ankara nã pháo vào miền Bắc Syria nhiều khả năng sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến toàn diện không chỉ giữa người Hồi giáo dòng Sunni với người Hồi giáo Shiite mà còn giữa các quốc gia liên quan.

Có thể thấy, những thắng lợi của quân đội Syria, đặc biệt là việc lực lượng phòng vệ người Kurd (YPG), thân với Chính phủ Syria, chiếm lại được căn cứ không quân Menagh ở Aleppo, diễn ra vào đúng thời điểm liên quân do Mỹ đứng đầu đang rất cần một chiến thắng lớn trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) để đem ra mặc cả tại các cuộc đàm phán hòa bình diễn ra ở Geneva (Thụy Sĩ).

Việc Thổ Nhĩ Kỳ nã pháo vào Aleppo (Syria) có thể châm ngòi cho một cuộc chiến toàn diện.

Vòng đàm phán này đã hai lần bị trì hoãn và đang rơi vào bế tắc vì cả chính phủ và lực lượng đối lập tại Syria không chấp nhận nhượng bộ. Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura đã phải tuyên bố lùi vòng đàm phán tới ngày 25-2. Trong bối cảnh các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, nhiều chuyên gia quân sự cũng như giới phân tích cho rằng chiến thắng tại Aleppo sẽ quyết định hòa bình tại Syria. Có được sân bay Mennagh, YPG và quân đội Syria sẽ có vị thế thuận lợi để tiếp tục tấn công các phe nhóm nổi dậy ở Azaz - nơi được xem là phòng tuyến cuối cùng của IS ở khu vực gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Do đó, quân chính phủ tái chiếm Aleppo không chỉ là một bước ngoặt trong cuộc nội chiến Syria mà còn là một thắng lợi vô cùng quan trọng, có ý nghĩa khích lệ tinh thần những người ủng hộ Chính phủ Syria. Nga cũng được hưởng lợi rất nhiều từ việc tái chiếm Aleppo. Những thắng lợi này sẽ giúp Chính phủ của Tổng thống Vladimir Putin có thêm "đặc quyền" để đưa ra yêu sách và mặc cả với Mỹ cũng như liên quân. Đặc biệt là trong vấn đề người Kurd tham gia đàm phán hòa bình tại Geneva hay tương lai của Tổng thống Bashar al-Assad cũng sẽ được bảo đảm.

Nếu kịch bản nói trên diễn ra, những toan tính của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria sẽ "phá sản". Kể từ năm 2011, khi phong trào nổi dậy ở Syria bùng lên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có những hành động ủng hộ gần như công khai với phe nổi dậy nhằm lật đổ Tổng thống Syria B.Al-Assad. Sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria chính là một phần trong chiến lược của họ trên toàn khu vực Trung Đông trong những năm đầu của phong trào Mùa xuân Arab. Vì thế, không có gì quá bất ngờ khi Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố có thể cùng Saudi Arabia triển khai chiến dịch trên bộ tại Syria.

Trong một tuyên bố mới đây, Mỹ và nhiều nước đồng minh cũng đã lên tiếng chỉ trích cũng như kêu gọi Nga ngừng ném bom thành phố Aleppo, đồng thời cho phép tổ chức hỗ trợ nhân đạo người dân. Như vậy, thỏa thuận vừa đạt được giữa 17 quốc gia tại Munich (Đức) hôm 11-2 về việc tạm ngừng các hành động thù nghịch tại Syria đã không còn ý nghĩa.

Trận chiến tại Aleppo đang trở thành nút thắt quyết định tiến trình đàm phán hòa bình giữa các nước ở Geneva. Thắng lợi hay thất bại trong việc tái chiếm thành phố lớn thứ hai tại Syria sẽ quyết định thành phần đại biểu tham gia đàm phán cũng như cục diện chiến trường trong thời gian tới.

Có điều, những gì đang diễn ra tại Aleppo dường như không phù hợp với lợi ích của liên minh do Mỹ đứng đầu. Vậy là sau rất nhiều cảnh báo và nguy cơ khẳng định sự cấp thiết về một giải pháp chính trị tại Syria, tương lai của đất nước này vẫn bị xếp sau lợi ích của các cường quốc. Điều này cũng cho thấy triển vọng không mấy sáng sủa về khả năng cuộc chiến phi nghĩa này sẽ sớm kết thúc.

Theo Hanoimoi
Bình luận
Back To Top