Khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ: Đe dọa nền hòa bình khu vực

00:00 - Thứ Sáu, 19/02/2016 Lượt xem: 2053 In bài viết
Vụ đánh bom đẫm máu tại thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ (đêm 17-2) làm gần 100 người chết và bị thương đã gây chấn động trong khu vực.

Ngay sau vụ khủng bố, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã "chỉ mặt" thủ phạm là một công dân Syria; đồng thời cáo buộc nhóm vũ trang "Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurk" (YPG) ở miền Bắc Syria và đảng Công nhân người Kurds (PKK) lên kế hoạch cho vụ tấn công. Hai nhóm này đều bị Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách khủng bố.

Hiện trường vụ đánh bom tại Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) tối 17-2.

Từ tháng 6-2015, Thổ Nhĩ Kỳ đã rơi vào tình trạng bạo lực tồi tệ nhất trong nhiều năm qua. Tiến trình hòa bình hứa hẹn với PKK chệch hướng, kéo theo nhiều cuộc truy quét của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào PKK ở khu vực Đông Nam nước này và miền Bắc Iraq đã làm hàng trăm tay súng người Kurd thiệt mạng. Đáp lại, PKK đã liên tục tấn công lực lượng cảnh sát và quân đội chính phủ. Ngay trước vụ khủng bố được cho là đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng an ninh nước này đã bất ngờ mở chiến dịch chớp nhoáng nhằm vào các mục tiêu của PKK trong đêm 16, rạng sáng 17-2. Đúng vào thời điểm này 17 năm trước, Ankara đã mở một chiến dịch tối mật xuyên quốc gia tại Kenya bắt giữ thủ lĩnh PKK là Abdullah Ocalan. Sau đó, vị thủ lĩnh này đã bị Ankara xét xử và hiện đang thụ án.

Do đó, dư luận khu vực có lý do để tin rằng vụ đánh bom nhằm vào đoàn xe quân sự tại thủ đô Ankara khiến ít nhất 28 người thiệt mạng và 61 người khác bị thương đêm 17-2 vừa qua (giờ Hà Nội) là một hình thức "chiến tranh" mới. Từ lâu, Ankara luôn coi YPG (thuộc PKK) là một tổ chức khủng bố cần tiêu diệt. Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại những gì người Kurd đang đạt được tại Iraq và Syria sẽ thôi thúc cộng đồng này thiết lập một quốc gia cho riêng mình. Ankara coi đảng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD) ở Syria cũng như YPG là lực lượng đáng kể ủng hộ PKK hậu thuẫn cho phong trào nổi dậy, đòi thiết lập khu tự trị người Kurd suốt nhiều năm qua ở Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã không ngừng dồn áp lực lên PKK bằng các cuộc chiến chống cộng đồng người Kurd chiếm đa số ở các khu đô thị phía nam dẫn tới nhiều khu dân cư bị tàn phá, dân thường phải đi lánh nạn.

Các cuộc giao tranh giữa lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ và các chiến binh người Kurd ngày càng leo thang từ tháng 7 năm ngoái dẫn đến nguy cơ về một cuộc nội chiến. Trong khi đó, lực lượng người Kurd ngày càng tăng càng khiến Ankara thêm lo ngại (người Kurd hiện chiếm khoảng 20% tổng dân số Thổ Nhĩ Kỳ). Xung đột giữa lực lượng vũ trang người Kurd và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu từ 1984, đến nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 40.000 người, làm hàng chục nghìn người lâm vào cảnh mất nhà cửa...

Trong bối cảnh Ankara đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức từ cả bên trong lẫn bên ngoài đất nước, thì vụ đánh bom đẫm máu ngay tại thủ đô là một chỉ dấu cho thấy xung đột đang ngày càng leo thang tại quốc gia này. Mặt khác, bất kỳ giải pháp chính trị nào giữa Ankara với cộng đồng người Kurd - gắn liền với PKK đều không thể tách rời cuộc xung đột đang diễn ra tại Syria, quốc gia cũng tồn tại các cộng đồng người Kurd. Do đó, vụ đánh bom tại Ankara cùng những diễn biến được dự báo sẽ không giới hạn trong biên giới Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục đe dọa nền hòa bình của cả khu vực.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top