Nguy cơ đối đầu quân sự

00:00 - Thứ Ba, 23/02/2016 Lượt xem: 2177 In bài viết
Quan hệ căng thẳng giữa hai quốc gia sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiến đấu cơ Su-24 của Nga gần biên giới Syria tháng 11 năm ngoái tiếp tục leo thang và đứng trước nguy cơ cuộc đối đầu quân sự mới.

Hậu thuẫn cho các phe phái khác nhau tại Syria, chiến dịch không kích của Nga được triển khai từ tháng 9 năm ngoái và sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ không ngừng pháo kích các vị trí của người Kurd ở Syria đẩy hai nước vào một cuộc đối đầu mới.

Thổ Nhĩ Kỳ pháo kích vào lực lượng người Kurd ở Syria là nguyên nhân gây căng thẳng với Nga.

Cuộc khủng hoảng mới giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nổ ra từ trung tuần tháng 2 vừa qua sau khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ pháo kích vào lực lượng liên minh Dân chủ người Kurd (PYD) ở Syria. Động thái này đã thổi bùng nguy cơ chiến tranh, khiến tình hình chiến sự tại quốc gia Trung Đông ngày càng lâm vào bế tắc. Mâu thuẫn xảy ra khi Mátxcơva đẩy mạnh không kích nhằm giúp quân đội chính phủ chiếm lại nhiều vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, đồng thời hỗ trợ PYD - lực lượng cũng được Mỹ hậu thuẫn và coi là tiền đồn trong chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Không chỉ chỉ trích mạnh mẽ các cuộc không kích của Nga ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ còn công khai ý định cùng các đồng minh, trong đó có Saudi Arabia, mở mặt trận trên bộ. Đây là kịch bản có thể dẫn tới đối đầu trực diện với lực lượng Nga ở Syria.

Cùng với số phận của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, câu hỏi về người Kurd vẫn là một trong những trở ngại chính ngăn cản Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có tiếng nói chung trong cuộc chiến ở Syria. Trong khi Ankara muốn ngăn chặn người Kurd thiết lập sự hiện diện thường trực ở bờ Tây sông Euphrates và tạo ra một vùng tự trị gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ thì Nga không ngừng lên án việc Chính phủ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nã pháo vào các mục tiêu của lực lượng người Kurd và chính quyền Syria là "hoàn toàn trái pháp luật". Trước những động thái trên của Thổ Nhĩ Kỳ, mới đây quân đội Nga tại quân khu phía Nam đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao và tiến hành các cuộc tập trận. Quân đội Nga đã tiến hành các thử nghiệm đối với hệ thống phòng thủ tên lửa cũng như kiểm tra tính cơ động của các đơn vị chiến đấu, động thái được xem như một "sự cảnh báo" đối với Ankara.

Nguy cơ xảy ra một cuộc đối đầu quân sự giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là điều được nhiều chuyên gia quân sự cảnh báo một khi Ankara thực hiện các chiến dịch trên bộ tại Syria. Dù chưa trở thành hiện thực, nhưng kịch bản không mong muốn này khiến dư luận hết sức quan ngại, đặc biệt với các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Là một thành viên của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ có thể dựa vào sự hỗ trợ của các thành viên khác nếu có một cuộc tấn công đối với đất nước mình. Điều này nếu xảy ra có thể khiến tình hình trở nên phức tạp hơn. Không dừng lại ở đó, cuộc khủng hoảng ở Syria sẽ diễn tiến theo một chiều hướng nguy hiểm hơn nếu cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa các quốc gia trong khu vực xảy ra, mà trước mắt có thể là Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Pháp Francois Hollande trong một tuyên bố mới đây cho rằng, việc Ankara gia tăng sự can dự vào cuộc chiến ở Syria có nguy cơ dẫn đến cuộc chiến giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nối lại các cuộc đàm phán, Tổng thống F.Hollande nêu rõ việc không kích phải lập tức chấm dứt và hàng viện trợ phải được phân phát tới thường dân Syria. Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ R.Erdogan, Tổng thống Mỹ Barack Obama hối thúc Ankara và các lực lượng của người Kurd kiềm chế; đồng thời nhấn mạnh người Kurd không nên tìm cách lợi dụng tình hình để mở rộng lãnh thổ.

Trong phiên họp mới đây tại Munich (Đức), 17 quốc gia tham dự đã nhất trí về kế hoạch chấm dứt chiến tranh tại Syria và lập tức mở rộng hoạt động viện trợ nhân đạo cho quốc gia Trung Đông này. Theo đó Liên hợp quốc sẽ thiết lập lực lượng đặc biệt để hỗ trợ nhân đạo. Việc các nước lớn trên thế giới nhất trí về kế hoạch chấm dứt chiến tranh và viện trợ nhân đạo tại Syria có ý nghĩa quan trọng đối với quốc gia Trung Đông. Điều này mở đường cho các cuộc đàm phán về hòa bình tại đất nước chìm trong xung đột suốt hơn 5 năm qua. Thế nhưng, căng thẳng gia tăng giữa các bên tham gia thúc đẩy hòa bình tại Syria - trong đó có Nga và Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách là hai quốc gia đóng vai trò quan trọng đang phủ bóng đen lên triển vọng của lộ trình đàm phán do Liên hợp quốc bảo trợ.

Theo Hanoimoi
Bình luận
Back To Top