Toan tính nguy hiểm

00:00 - Thứ Ba, 15/03/2016 Lượt xem: 2036 In bài viết
Vụ nổ bom vừa xảy ra tại Quảng trường Kizilay, trung tâm thủ đô Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ khiến gần 160 người thương vong cho thấy quốc gia này đang đối mặt với rất nhiều nguy cơ an ninh.

Dường như, nguy cơ ngày càng tăng khi Ankara vừa tham gia liên minh chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria; đồng thời phải giải quyết xung đột nội bộ với lực lượng đảng Công nhân người Kurd (PKK) sau khi thỏa thuận ngừng bắn giữa hai bên sụp đổ hồi tháng 7-2015.

Hiện trường hỗn loạn sau vụ nổ bom kinh hoàng tối 13-3 tại thủ đô Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ.

Đánh bom liều chết lần này là vụ tấn công thứ ba nhằm vào thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ trong 5 tháng qua. Hiện chưa nhóm nào nhận tiến hành vụ việc, song giới chức Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức cho rằng, các tay súng người Kurd đứng đằng sau vụ khủng bố. Ngay trong sáng 14-3, các máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ đã oanh tạc các trại quân sự của PKK tại miền Bắc Iraq nhằm trả đũa vụ đánh bom mới tại Ankara. Chính quyền Ankara cùng lúc đã áp đặt lệnh giới nghiêm tại thị trấn Sirnak, ở Đông nam Thổ Nhĩ Kỳ. Ban bố giới nghiêm tại khu vực có đông người Kurd sinh sống, Ankara dường như đang dọn đường cho một chiến dịch lớn nhằm truy quét các tay súng PKK.

Thực tế, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho rằng, tình hình bất ổn toàn khu vực trong những năm gần đây đã khiến nước này - quốc gia có quan hệ mật thiết với Châu Âu - trở thành "điểm đến" của không ít vụ tấn công khủng bố. Thế nên, Ankara khẳng định quyết tiêu diệt IS tại Syria và sẵn sàng đưa quân vào Syria trong khuôn khổ một liên minh quốc tế chống IS.

Nhưng, đây chỉ là cớ. Ankara thực chất muốn nhắm vào lực lượng người Kurd đang tá túc trên lãnh thổ Syria trong bối cảnh rối ren hiện nay. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ đã đi xa hơn trong "ván bài" Syria khi tiếp tục nã pháo vượt biên giới vào các vị trí của lực lượng các đơn vị tự vệ nhân dân người Kurd (YPG) nhằm nhổ bỏ các thực thể người Kurd ở Syria, vốn được Ankara cho là có liên hệ mật thiết với PKK. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần cáo buộc chính lực lượng người Kurd ở Syria đã chuyển giao vũ khí cho lực lượng PKK ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara thậm chí đang nỗ lực phát động mở chiến dịch trên bộ chung ở Syria với các đồng minh quốc tế và cho rằng đó là cách duy nhất để chấm dứt cuộc chiến kéo dài 5 năm qua tại quốc gia Trung Đông này.

Các vụ không kích và nã pháo vào lực lượng người Kurd ở Syria của Thổ Nhĩ Kỳ được coi là những toan tính nguy hiểm. Minh chứng là vụ đánh bom đẫm máu tại Ankara ngày 13-3 vừa qua chỉ là một trong những vụ tấn công của PKK nhằm vào các lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ, mục đích đáp trả lại các chiến dịch tấn công và truy quét của chính quyền Tổng thống Erdogan. Điều này đã đặt tình hình an ninh Thổ Nhĩ Kỳ trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Quan trọng hơn, phản ứng của Ankara có thể sẽ gây hậu quả ngoại giao. Đó là thỏa thuận ngừng bắn tại Syria hình thành sau cuộc họp tại Munich ngày 12-2 sẽ chỉ còn là một kỷ niệm xa vời.

Giới quan sát quốc tế cho rằng, chính sách Syria của Thổ Nhĩ Kỳ đang dần "tiêu diệt" vị thế quốc tế của Ankara hơn bất kỳ yếu tố nào khác. Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực tới mối quan hệ với các nước thực sự quan trọng với Ankara như: Iran, Iraq, Nga, Trung Quốc, Mỹ, Liên minh Châu Âu, các cộng đồng người Kurd và tất nhiên là cả Syria. Thay vào đó, Ankara mở ra một liên minh nguy hiểm với Saudi Arabia và tạo ra cuộc đối đầu với Nga.

Thực tế, người Kurd đang được cả Mỹ - Nga công khai ủng hộ và đánh giá là lực lượng đóng vai trò quyết định trong cuộc chiến chống IS tại Trung Đông. Với Nga, việc quan tâm tới đảng PKK được cho là cách Điện Kremlin đối phó với âm mưu mở rộng lãnh thổ và tham vọng khôi phục đế chế Ottoman của Ankara. Trong khi đó, Mỹ từ ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ đã chuyển sang đối đầu khi Washington khẳng định các chiến binh người Kurd là một trong những lực lượng hoạt động thành công nhất trong việc tiêu diệt khủng bố.

Do đó, việc Thổ Nhĩ Kỳ bất chấp cảnh báo, áp dụng lệnh giới nghiêm với các khu vực người Kurd sinh sống chẳng khác nào dội thêm gáo nước lạnh vào bộ đôi Nga - Mỹ. Và, hành động không kích gia tăng của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria được đánh giá như "đổ thêm dầu vào lửa". Nó chỉ càng làm trầm trọng thêm vấn đề, khuyến khích các phần tử thánh chiến cực đoan chiến đấu ở Syria, khuấy động thêm xung đột tôn giáo đang làm đảo điên cả Trung Đông.

Theo Hanoimoi
Bình luận
Back To Top