Sự lo lắng bao trùm lục địa già

00:00 - Thứ Năm, 24/03/2016 Lượt xem: 1907 In bài viết
“Cả Châu Âu đang là đích ngắm của khủng bố” là tuyên bố của Tổng thống Pháp Francois Hollande sau các vụ tấn công kinh hoàng tại thủ đô Brussels của Bỉ, cho thấy những thách thức và nguy hiểm an ninh mà Lục địa già phải đối mặt.

Có lẽ chưa bao giờ, thủ đô Brussels, nơi được mệnh danh là "trái tim Châu Âu" - nơi đặt trụ sở chính của Liên minh Châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lại trải qua một ngày khủng khiếp như ngày 22-3. Chuỗi tấn công liên hoàn tại Sân bay Zaventem và các ga tàu điện ngầm Maelbeek sát trụ sở của EU, Ga Shuman và Ga Arts-loi đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 35 người và làm hơn 200 người bị thương.

An ninh được tăng cường tại Brussels sau chuỗi khủng bố kinh hoàng.

Cảnh sát Bỉ cho biết, bước đầu đã xác định được hai kẻ thực hiện loạt vụ tấn công khủng bố đã chết trong vụ đánh bom tự sát tại sân bay là hai anh em Khalid và Ibrahim El Bakraoui. Qua camera sân bay, cảnh sát Bỉ xác định, một đối tượng tham gia khủng bố đã bỏ trốn sau khi vali chứa thuốc nổ của y không phát nổ. Ngoài ra, một đối tượng là cư dân Brussels đã bị cảnh sát đưa vào hồ sơ phạm tội. Đây là vụ khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử Vương quốc Bỉ và được thực hiện với kịch bản giống hệt với vụ khủng bố ở Paris (Pháp) tháng 11-2015, tức là đánh bom tự sát bằng đai thuốc nổ quấn trong người cùng lúc tại nhiều địa điểm công cộng. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã nhận gây ra những vụ khủng bố này.

Thảm họa diễn ra chỉ vài ngày sau khi Bỉ thông báo bắt được nghi can Salah Abdeslam, một mắt xích trong vụ tấn công khủng bố ở thủ đô Paris hồi tháng 11 năm 2015 khiến 130 người thiệt mạng và hơn 300 người bị thương. Chưa có một kết luận cụ thể, nhưng một cách tự nhiên đã có những ý kiến tin rằng rất có thể đây là sự trả đũa của tổ chức IS nhằm gây hoảng loạn cho Châu Âu.

Và ở một góc độ nào đó thì các vụ tấn công ở Brussels vốn yên bình cho thấy một thực tế là Cựu lục địa đang đối diện với những nguy cơ an ninh nghiêm trọng. Sau Pháp, giờ đến Bỉ trở thành một "cứ điểm" của chủ nghĩa khủng bố. Câu hỏi đặt ra là, lý do gì khiến đất nước thanh bình này rơi vào vòng xoáy của các phần tử cực đoan? Trên thực tế, hơn một nửa trong số những kẻ khủng bố Paris đến từ Molenbeek, vùng ngoại ô "đáng sợ" nhất nước này. Dân số quận có đến hơn 50% là người nhập cư.

Theo dữ liệu chính thức, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực này là 30% trong khi chỉ số trung bình trong nước là 8,4%. Ngoài các vụ khủng bố tháng 11-2015 ở Paris, những phần tử xuất thân từ Molenbeek còn tham gia vào việc lên kế hoạch hoặc thực hiện một số vụ tấn công lớn trên thế giới. Xét trên tỷ lệ dân số, không nước nào ở Châu Âu cung cấp thanh niên cực đoan sang Syria và Iraq nhiều như Bỉ.

Có đến hơn 400 công dân Bỉ đã trốn đến Syria để chiến đấu cho IS, con số cao hơn bất kỳ nước nào khác tại Châu Âu. Đáng nói là, với tấm hộ chiếu Châu Âu, số thanh niên bị tẩy não này đi và về thường xuyên, dễ dàng vượt qua các hệ thống kiểm soát. Sự chỉ trích của công chúng Bỉ đối với chính sách an ninh của Chính phủ ngày càng tăng lên, khi mà mỗi ngày trôi qua, truyền thông lại đưa tin nhiều hơn về những lỗ hổng "chết người" tại quốc gia này.

Một nguyên nhân khác khiến Bỉ trở thành mục tiêu của các vụ tấn công khủng bố là bởi quốc gia này được coi là thị trường lớn về vũ khí lậu. Lâu nay, hoạt động kinh doanh và buôn lậu súng ở Bỉ đã trở thành một ngành nghề phát đạt và có quy mô lớn nhất Châu Âu. Bỉ cũng vấp phải những khó khăn nhất định cả trong hệ thống quản lý.

Trên bình diện bảo đảm an ninh, 19 khu vực của thủ đô thuộc quyền kiểm soát của 6 đơn vị cảnh sát riêng biệt, gây phức tạp cho việc trao đổi thông tin về truy tìm tội phạm trong phạm vị toàn Brussels. Ngoài ra, nước Bỉ bị chia tách thành 3 vùng với ngôn ngữ và văn hóa khác nhau hoàn toàn. Vì vậy, cơ quan an ninh sở tại gặp nhiều khó khăn trong việc phối hợp điều tra, bắt giữ tội phạm cũng như hợp tác tình báo. Tất cả những yếu tố đó biến nước Bỉ thành một "căn cứ" tiềm tàng của chủ nghĩa cực đoan.

Sau thảm họa 13-11 tại Paris, ngày 22-3 đã trở thành "ngày đen tối" đối với Bỉ và cả Châu Âu. Với cách thức táo tợn, khủng bố đang bao trùm sự lo lắng lên Lục địa già. Rất khó để khoanh vùng được nước nào ở Châu Âu sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo của các phần tử cực đoan được cho là đã phát triển mạng lưới chân rết khắp châu lục.

Đây chính là mối nguy hiểm lớn nhất và khó đối phó nhất khi các phần tử khủng bố không đến từ bên ngoài mà xuất thân ngay trong lòng Châu Âu. Sự đoàn kết, chia sẻ và đồng lòng có lẽ là chưa đủ, mà Châu Âu cần có một cách tiếp cận mới, một phương thức hợp tác mới để ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của chủ nghĩa khủng bố.

Theo Hanoimoi
Bình luận
Back To Top