Sự đồng thuận tích cực

00:00 - Thứ Hai, 28/03/2016 Lượt xem: 1539 In bài viết
Dưới sự hỗ trợ của Không quân Nga, Chính phủ Syria đã hoàn toàn kiểm soát thành cổ Palmyra bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chiếm giữ từ năm 2015.

Quân Chính phủ Syria ăn mừng sau khi chiếm lại được thành cổ Palmyra.

Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã thực hiện oanh kích vào 158 mục tiêu của IS ở thành phố cổ kính đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới và tiêu diệt hơn 100 tay súng IS. Đây được xem là chiến thắng mang tính biểu tượng và chiến lược đối với lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad. Cuộc tái chiếm Palmyra cũng đánh dấu sự đảo ngược tình thế lớn nhất trong cuộc chiến chống IS kể từ khi Nga can thiệp mạnh mẽ vào Syria. Những chiến thắng trên thực địa của quân đội Syria, diễn ra không lâu sau chuyến thăm Nga của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, đem lại hy vọng về những tiến triển tích cực cho cuộc chiến tồi tệ ở quốc gia Trung Đông.

Giữa Nga và Mỹ có không ít những bất đồng. Tuy nhiên, cả hai bên đều hiểu rằng nếu không có sự hợp tác thì không thể giải quyết phần lớn những vấn đề quốc tế quan trọng. Điều này được phản ánh qua cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin cũng như cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov của ông John Kerry. Phát biểu về kết quả các cuộc gặp với Ngoại trưởng Kerry, Ngoại trưởng Lavrov cho biết hai bên đã khẳng định cần nhanh chóng tiến hành đối thoại trực tiếp giữa chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và phe đối lập.

Theo ông Lavrov, nhờ có sự phối hợp giữa Nga và Mỹ, việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông này đã đạt được tiến bộ quan trọng. Hai bên đã nhất trí tiếp tục phối hợp hành động nhằm củng cố cơ chế ngừng bắn tại Syria, đồng thời ngăn chặn sự vi phạm thỏa thuận này. Nga và Mỹ cũng đạt đồng thuận trong việc tiếp tục nỗ lực mở rộng tiếp cận nhân đạo đến các khu vực bị phong tỏa ở Syria. Những nỗ lực này của hai bên sẽ được thực hiện đồng thời với việc mở rộng phối hợp chống tổ chức khủng bố IS và các nhóm vũ trang cực đoan khác. Đặc biệt, Nga và Mỹ đã nhất trí quan điểm rằng tương lai của Tổng thống Syria B.Al-Assad không nên được đưa ra thảo luận vào thời điểm hiện nay.

Cuộc xung đột trong hơn 5 năm qua ở Syria đã làm hơn 250.000 người thiệt mạng và gây ra cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến II. Không những vậy, cuộc khủng hoảng nghiêm trọng này còn là cuộc đối đầu gay gắt giữa Nga và phương Tây. Nga từ lâu luôn ủng hộ chính quyền của Tổng thống B.Al-Assad trong khi phương Tây hậu thuẫn mạnh mẽ cho lực lượng nổi dậy Syria.

Tuy nhiên, khi cuộc xung đột ở Syria bước sang năm thứ 6 thì hai cường quốc hàng đầu thế giới bắt đầu cho thấy quyết tâm tháo gỡ bế tắc tại Syria. Cách đây 3 tuần, Washington và Mátxcơva đã xây dựng được một thỏa thuận chấm dứt thù địch và mang hỗ trợ nhân đạo đến các khu vực bị ảnh hưởng. Mặc dù lệnh ngừng bắn ở Syria còn mong manh, nhưng mức độ bạo lực đã giảm mạnh tới 85-90%. Thế nhưng, giới ngoại giao đang lo ngại rằng nếu không có những kế hoạch tiếp theo liên quan đến quá trình chuyển giao quyền lực ở Damascus, nó có nguy cơ bị sụp đổ.

Vì vậy, cuộc gặp giữa ngoại trưởng của Nga và Mỹ là lực đẩy lớn, tạo đà cho các cuộc đàm phán hòa bình ở Syria, trong bối cảnh những chia rẽ xung quanh quy chế chính trị tại quốc gia này vẫn đang làm đình trệ các nỗ lực giải quyết xung đột. Cùng với sự đồng thuận của hai cường quốc Nga - Mỹ, sự kiện Nga rút quân theo kế hoạch khỏi Syria cùng với việc nối lại các cuộc hòa đàm tại Geneva (Thụy Sĩ) đang tạo ra những cơ hội tốt nhất nhằm chấm dứt cuộc nội chiến đã vượt qua khỏi biên giới Trung Đông. Dư luận đang hy vọng vào cuộc hòa đàm về Syria diễn ra vào đầu tháng 4 tới, sẽ đưa ra những giải pháp đem bình yên trở lại cho người dân quốc gia Trung Đông này.

Theo Hanoimoi
Bình luận
Back To Top