Iraq chật vật thoát IS, vượt khủng hoảng

00:00 - Thứ Hai, 28/03/2016 Lượt xem: 2027 In bài viết
Ngày 27-3, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc (TTK LHQ) Ban Ki-moon kêu gọi các chính trị gia Iraq ủng hộ các kế hoạch cải cách mà Thủ tướng Haider al-Abadi đề ra, đồng thời nhấn mạnh cần tiến hành hòa giải dân tộc. Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh Iraq đang khổ sở chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, cũng như đang vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế chưa có lối thoát.

Hòa giải để đánh bại IS

Phát biểu tại Quốc hội Iraq nhân chuyến thăm lần thứ 8 tới quốc gia vùng Vịnh này, TTK Ban Ki-moon kêu gọi các lãnh đạo chính trị tại Iraq tiếp tục nỗ lực hướng tới một tầm nhìn chung thống nhất nhằm thúc đẩy tái hòa giải dân tộc tại Iraq và cải cách kinh tế - xã hội.

Đối với cuộc chiến đấu chống lại IS, TTK Ban Ki-moon khẳng định “hòa giải là một phần quan trọng của chiến lược đánh bại IS”. Iraq cần đoàn kết trong cuộc chiến chống lại IS khi IS đang triệt để khai thác sự mâu thuẫn giữa hai cộng đồng nhằm tìm cách phá hoại Iraq. Chúng không thể bị đánh bại chỉ bằng các biện pháp quân sự và không giải quyết được gốc rễ của cuộc khủng hoảng hiện nay. Theo các chuyên gia, trong một năm trở lại đây, IS đang mất dần những vùng đất mà chúng chiếm đóng tại Iraq. Trong các chiến dịch gần đây nhất, các lực lượng Iraq đã giành lại tỉnh Anbar (miền Tây) và đang bắt đầu chiến dịch chinh phục nhằm giải phóng tỉnh Nineveh. Giới quan sát cảnh báo, khi “vương quốc Hồi giáo” mà IS tự xưng đang ngày càng thu hẹp dẫn tới diệt vong, các tay súng IS sẽ trở lại chiến thuật chiến tranh cũ và tăng cường các cuộc tấn công liều chết nhằm vào dân thường.

Ngày 27-3, Iraq cũng đã tiến hành chôn cất thi thể 32 nạn nhân (ảnh), trong đó có 17 trẻ em, trong vụ đánh bom do IS tiến hành ngày 26-3 tại sân vận động ở làng Al-Asriya, tỉnh Babil, cách thủ đô Baghdad khoảng 40km về phía Nam. Tỉnh Babil đã thông báo 3 ngày để tang các nạn nhân.

 

Cải cách để vượt qua khủng hoảng

Mục đích của chuyến thăm này của TTK Ban Ki-moon là nhằm giúp đỡ Iraq trong cuộc chiến chống IS, cũng như vượt qua những thử thách, khó khăn do tác động từ giá dầu thấp. Việc giá dầu giảm mạnh đã gây tác động lớn lên nền kinh tế Iraq - đất nước mà 90% ngân sách dựa vào nguồn thu từ dầu. Trong bối cảnh giá dầu tụt thảm hại, mỗi tháng Chính phủ Iraq vẫn phải chi ra gần 4 tỷ USD cho quân đội và bộ máy công chức ngày càng phình to.

Gần đây, Ngân hàng thế giới (WB) đã cho Iraq vay 1,2 tỷ USD để giúp nước này khắc phục khủng hoảng tài chính. Trong phát biểu của mình, Chủ tịch WB Jim Yong Kim, tháp tùng TTK LHQ trong chuyến đi, cam kết WB sẽ hỗ trợ Iraq thêm 250 triệu USD để hỗ trợ tiến trình cải cách kinh tế và cải cách hành chính nhằm khôi phục lại những khu vực được giải phóng từ tay IS. Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cho biết tất cả các kế hoạch giúp đỡ Iraq sẽ được khởi động vào tuần tới.

Tuy nhiên, mặc dù từng tự tin rằng khủng hoảng giá dầu có thể mang đến cơ hội để thực hiện các biện pháp cải cách mang tính dài hạn và đa dạng hóa nền kinh tế, nhưng hiện Thủ tướng Abadi đang phải đối mặt với sự phản đối từ chính phe phái của mình liên quan đến một số đề xuất cải cách của ông. Theo kế hoạch cải cách của Thủ tướng Abadi, cắt giảm số bộ ngành và cơ quan nhằm tăng hiệu quả hoạt động của chính phủ và giảm chi tiêu công, trong đó đề nghị bãi bỏ 3 chức vụ phó tổng thống và 3 chức vụ phó thủ tướng. Kế hoạch cải cách trên của Thủ tướng Abadi nhận được sự ủng hộ của đa số người dân Iraq do lâu nay họ đã phải sống trong tình trạng tham nhũng, dịch vụ công nghèo nàn... Iraq dự báo thâm hụt ngân sách sẽ vào khoảng 25 tỷ USD trong năm nay, nhưng con số dự báo đó dựa trên mức giá dầu là 45USD/thùng. Trên thực tế, mức thâm hụt có thể gấp đôi.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top