Điệu tăng-gô kết bạn

00:00 - Thứ Ba, 05/04/2016 Lượt xem: 2173 In bài viết
Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma và Phu nhân đã cùng các vũ công nhảy điệu tăng-gô (tango) tại tiệc chiêu đãi do Tổng thống Ác-hen- ti-na M.Ma-cri chủ trì, nhân chuyến thăm chính thức lần đầu tới quê hương của vũ điệu say đắm này. Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ sau 19 năm thể hiện sự ủng hộ và mong muốn kết thân với Tổng thống theo đường lối cánh hữu ở Ác-hen-ti-na, một “người bạn mới” của Oa-sinh-tơn ở khu vực từng là “sân sau” của Mỹ.

Tổng thống Ô-ba-ma đến Bu-ê-nốt Ai-rét đúng dịp 40 năm xảy ra cuộc đảo chính quân sự cuối cùng tại Ác-hen-ti-na (ngày 24-3-1976). Cuộc đảo chính này khởi đầu giai đoạn độc tài quân sự kéo dài tới năm 1983 ở Ác-hen-ti-na, đồng thời đẩy quan hệ giữa Ác-hen-ti-na với Mỹ vào thời kỳ đen tối, do Oa-sinh-tơn bị cáo buộc hậu thuẫn chính quyền độc tài tại quốc gia Nam Mỹ này. Theo thống kê chính thức, hơn 30 nghìn người mất tích trong thời gian này ở Ác-hen-ti-na, khoảng 500 trẻ em bị bắt cóc… Đến nay, gia đình các nạn nhân vẫn tiếp tục đòi công lý và phản đối Mỹ.

Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma nhảy điệu tăng-gô trong tiệc chiêu đãi ở Bu-ê-nốt Ai-rét.

Diễn ra vào thời điểm nhạy cảm như vậy, chuyến thăm của ông Ô-ba-ma không tránh khỏi bị chỉ trích là sự khiêu khích với Ác-hen-ti-na. Bởi thế, ngay trước chuyến thăm, Nhà trắng đã có động thái “làm lành” khi Tổng thống Ô-ba-ma quyết định cho phép giải mã các tài liệu quân sự và tình báo liên quan chính quyền độc tài tại Ác-hen-ti-na. Với quyết định lần đầu tiết lộ thông tin mật về giai đoạn độc tài (1976 - 1983) ở Ác-hen-ti-na, ông Ô-ba-ma muốn chứng minh rằng, nước Mỹ hiện tại sẵn sàng hợp tác, hòa giải và minh bạch hóa quá khứ nhằm hướng đến tương lai. Tổng thống Ác-hen-ti-na M.Ma-cri hoan nghênh thiện chí của người đồng cấp Mỹ và cho rằng, chuyến thăm của Tổng thống Ô-ba-ma thể hiện sự đoàn kết giữa hai nước, cũng như sự ủng hộ của Oa-sinh-tơn đối với những thay đổi đang diễn ra tại Ác-hen-ti-na.

Ngoài khúc mắc trong vấn đề lịch sử nêu trên, vẫn có nhiều thuận lợi với ông Ô-ba-ma trong chuyến công du 19 năm sau chuyến thăm chính thức Ác-hen-ti-na của Tổng thống B.Clin-tơn năm 1997. Tổng thống M.Ma-cri của đảng Thay đổi thuộc cánh hữu lên nắm quyền tại Ác-hen-ti-na tháng 12-2015, chấm dứt 12 năm cầm quyền của liên minh cánh tả Mặt trận vì thắng lợi. Trong bối cảnh các chính phủ do phe cánh tả lãnh đạo ở một số nước ở khu vực Mỹ la-tinh gặp khó khăn, Tổng thống Ma-cri theo đường lối trung hữu tranh thủ không gian và cơ hội để khẳng định vị thế và hàn gắn quan hệ với cựu đồng minh.

Ác-hen-ti-na đang có nhiều thay đổi, rõ nhất là quan hệ giữa Bu-ê-nốt Ai-rét với thế giới, điển hình là với Mỹ. Quan hệ kinh tế giữa hai nước được cải thiện nhanh chóng, với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2015 đạt hơn 11 tỷ USD. Điểm cộng cho Chính quyền Ma-cri là đã chấm dứt những tranh cãi pháp lý kéo dài hàng chục năm với các chủ nợ, phần nhiều là những “quỹ kền kền” của các nhà đầu cơ Mỹ, góp phần sớm đưa nền kinh tế lớn thứ ba ở Mỹ la-tinh trở lại quỹ đạo toàn cầu, trước mắt là tái nhập thị trường tài chính quốc tế.

Với Bu-ê-nốt Ai-rét, chuyến thăm của Tổng thống Ô-ba-ma đánh dấu bước xích lại gần hơn giữa hai quốc gia sau thời gian dài quan hệ lạnh nhạt, đồng thời phát đi tín hiệu ủng hộ của Oa-sinh-tơn đối với chính sách cải cách của Chính quyền Tổng thống Ma-cri. Hiện Ác-hen-ti-na có tới 500 doanh nghiệp hoạt động với vốn đầu tư của Mỹ. Việc một đoàn doanh nghiệp Mỹ hùng hậu tháp tùng ông Ô-ba-ma thăm Ác-hen-ti-na hứa hẹn đem đến nhiều hợp đồng mới, trong các lĩnh vực như: Cơ sở hạ tầng, năng lượng, nông nghiệp và viễn thông. Bu-ê-nốt Ai-rét cũng hy vọng có tên trong danh sách hưởng chế độ ưu đãi thuế quan (SGP) của Mỹ. Xa hơn, là triển vọng đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Mỹ với Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) mà Ác-hen-ti-na là một thành viên, và thậm chí không loại trừ khả năng Bu-ê-nốt Ai-rét tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), điều mà ông Ma-cri từng bóng gió nhắc tới.

Với Mỹ, ngoài các cơ hội kinh tế, những cải cách tại Ác-hen-ti-na đang đi đúng hướng Mỹ mong muốn. Chẳng thế, nhiều quan chức Nhà trắng khẳng định, chuyến thăm của Tổng thống Ô-ba-ma đánh dấu sự trở lại của Ác-hen-ti-na với thế giới; và Ác-hen-ti-na có thể trở thành một đồng minh quan trọng của Mỹ trong nhiều vấn đề, từ cuộc chiến chống ma túy đến ứng phó biến đổi khí hậu. Trong nỗ lực của Mỹ khôi phục vị thế ở khu vực Mỹ la-tinh, Chính quyền cánh hữu ở Ác-hen-ti-na có thể trở thành “cánh tay nối dài”, giúp Mỹ giành lại thị phần ảnh hưởng đã mất vào tay các đối tác đối trọng ngoài khu vực. Có thể nói, với điệu tango trong bữa tiệc của người đồng cấp Ma-cri, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma muốn gửi thông điệp rõ ràng rằng, Oa-sinh-tơn muốn gây dựng lòng tin với “người bạn mới” trên chính “mảnh đất cũ” từng một thời nằm trong vòng ảnh hưởng của Mỹ.

Theo Nhân dân
Bình luận
Back To Top