Ukraine: Đường gập ghềnh tới EU

00:00 - Thứ Sáu, 08/04/2016 Lượt xem: 2073 In bài viết
Cuộc trưng cầu dân ý vừa diễn ra tại Hà Lan đã cho thấy một kết quả không như mong đợi khi đa số cử tri nước này phản đối việc phê chuẩn Hiệp định liên kết giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Ukraine.

Kết quả kiểm phiếu tại 191 điểm bỏ phiếu (tương đương 38,9% số phiếu) cho thấy: Có tới 61% cử tri nước này bày tỏ ý kiến không đồng tình khi trả lời câu hỏi "Bạn ủng hộ hay phản đối việc phê chuẩn Hiệp định liên kết giữa EU và Ukraine?".

Sự phản đối của cử tri Hà Lan đang khiến Hiệp định liên kết EU - Ukraine gặp trắc trở.

Bản Hiệp định được khởi xướng vào tháng 3-2007 nhằm tạo khuôn khổ cho sự hợp tác giữa EU và Ukraine là một phần trong sáng kiến Đối tác phương Đông của EU. Hai bên đã bàn thảo từ vài năm nay việc ký kết Hiệp định liên kết và Hiệp định tự do hóa thương mại. Để ký kết các văn bản này, EU yêu cầu Ukraine phải tiến hành cải cách lĩnh vực thương mại nhằm thích ứng với điều kiện của thị trường Châu Âu. Một thỏa thuận chung về chính trị, thương mại và quốc phòng đã tạm thời được đưa ra, song cần phải được 28 nước thành viên EU thông qua để mỗi phần của Hiệp định có hiệu lực pháp lý toàn diện.

Cho tới nay, Hà Lan là nước duy nhất tại EU chưa phê chuẩn văn bản trên cho dù nó đã được Quốc hội nước này thông qua. Chính phủ Hà Lan buộc phải tổ chức cuộc trưng cầu dân ý vì nhận được 450.000 ý kiến người dân yêu cầu trong một thỉnh nguyện thư. Kết quả đa số phản đối phản ánh sự quan ngại của người dân Hà Lan cho rằng Hiệp định liên kết EU - Ukraine chỉ làm lợi cho giới nhà giàu ở Kiev và làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa EU, Nga và Ukraine.

Tuy nhiên, những người ủng hộ cho rằng, Hiệp định liên kết EU - Ukraine sẽ giúp tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa về kinh tế và chính trị giữa hai bên. Một thị trường mở gồm 45 triệu dân của Ukraine cũng sẽ mang lại sự thúc đẩy to lớn cho tăng trưởng đang trì trệ ở EU. Một Kiev thành công cũng là cơ sở tạo nên sự ổn định rất cần thiết cho khu vực láng giềng tại thời điểm mà EU phải chịu áp lực từ nhiều biến cố. Đơn cử, kể từ ngày 1-1-2016, Khu vực Thương mại tự do sâu rộng và toàn diện (DCFTA) giữa Ukraine và EU, một phần trong hiệp định liên kết được hai bên ký tháng 6-2014, bắt đầu có hiệu lực.

Theo đánh giá của Bộ Kinh tế Ukraine, lợi ích lớn nhất từ việc thành lập DCFTA nước này nhận được là tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và dòng hàng hóa giá rẻ. Khoảng 97% danh mục hàng hóa sẽ được miễn thuế khi xuất - nhập giữa hai bên, mang tới cho GDP của Ukraine 10-15 tỷ hryvnia (khoảng 4-6 tỷ USD) mỗi năm. Mức giảm giá hàng hóa từ EU được dự kiến vào khoảng 5%.

Mặc dù vậy, EU đã không thành công trong việc thuyết phục người dân xứ sở hoa tulip. Trong một bước đi xoa dịu lòng dân, Ngoại trưởng Hà Lan Bert Koenders cũng như các nghị sĩ cho rằng Chính phủ phải thảo luận với các đối tác EU, Ukraine đàm phán lại về Hiệp định này. Dẫu rằng đây là một cuộc trưng cầu dân ý không bắt buộc, nhưng phần lớn các đảng phái Hà Lan cho biết họ sẽ tôn trọng ý kiến của người bỏ phiếu. Và nếu vậy thì giấc mơ Châu Âu mà Kiev đã phải trả giá không ít, thậm chí là nội chiến đẫm máu trong vài năm qua để biến thành hiện thực đang gặp trắc trở khôn cùng.

Đối với Châu Âu, sự việc cũng có những tác động không dễ chịu. Các nhà phân tích nhận định đây được xem là phép thử đối với EU trong các vấn đề chính sách khi có thể mở đầu cho một tiền lệ rằng tất cả các hiệp ước trong tương lai với các nước bên ngoài đều có thể bị cản trở bởi quốc gia nước thành viên. Vai trò của EU trong việc thực hiện các thỏa thuận thương mại và hợp tác với các nước về những vấn đề như chống tội phạm có tổ chức và các vấn đề môi trường có thể bị thách thức. Một vấn đề như vậy sẽ không phải là điều EU mong muốn trong bối cảnh liên minh đang ngập trong nhiều vấn đề lớn như khủng hoảng người tị nạn, khủng bố, khuynh hướng dân tộc và chủ nghĩa dân túy phát triển mạnh ở một số nước thành viên.

Theo Hanoimoi
Bình luận
Back To Top