Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm G7:

Biển Đông, biển Hoa Đông lên bàn nghị sự

00:00 - Thứ Hai, 11/04/2016 Lượt xem: 1874 In bài viết
Diễn ra trong hai ngày 10 và 11-4, Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) gồm Anh, Canada, Đức, Mỹ, Nhật, Pháp và Italia đã thảo luận về những vấn đề cấp bách toàn cầu như Trung Đông, cuộc khủng hoảng người di cư, xung đột ở Ukraine và cuộc chiến chống khủng bố.

Với tư cách là nước chủ nhà, Nhật Bản cũng sẽ nêu ra hai vấn đề gây quan ngại lớn cho nước này là tình hình căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên và tình hình an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông. Những vấn đề này đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế.

Ngoại trưởng các nước tại phiên họp đầu tiên của hội nghị.

Hội nghị này là bước chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh thường niên G7 dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 26 và 27-5 tại Ise-Shima, Nhật Bản. Tokyo cũng đề nghị các ngoại trưởng G7 ra tuyên bố chung sau cuộc họp hai ngày ở thành phố Hiroshima, với hy vọng tuyên bố chung này sẽ phản ánh những lo ngại về căng thẳng leo thang ở Biển Đông, biển Hoa Đông, đồng thời nêu tầm quan trọng của tự do hàng hải, giải quyết hòa bình các tranh chấp, cảnh báo chống lại các hành động như bồi đắp đảo nhân tạo quy mô lớn, vốn đang phá hoại sự ổn định của khu vực. Lập trường cứng rắn này của Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh tàu hải cảnh Trung Quốc hôm 5-4 được ghi nhận xuất hiện quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông ngày thứ 10 liên tiếp. Trước đó, Nhật Bản đã thành lập một đơn vị đồn trú thuộc lực lượng phòng vệ mặt đất trên đảo Yonaguni thuộc cực Tây nước này, cách Senkaku/Điếu Ngư khoảng 150km về phía Nam.

Trong khi đó, Hãng Thông tấn Jiji của Nhật Bản dẫn lời Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner khẳng định, Washington không muốn chứng kiến bất cứ hành động nào làm gia tăng hoặc leo thang căng thẳng ở Biển Đông. Tuyên bố của ông Toner được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trước đó cảnh báo các ngoại trưởng G7 không thảo luận vấn đề Biển Đông tại hội nghị. Các nhà phân tích nhận định, nếu vấn đề Biển Đông được đưa vào Tuyên bố chung của G7 thì cũng không phải là động thái mới. Trong Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm 2015 tại Đức, Tuyên bố chung của Nhóm cũng đã "cực lực phản đối" việc đe dọa dùng vũ lực, sử dụng vũ lực hoặc các hành động đơn phương làm thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông. Ngoài ra, Tuyên bố chung sẽ lên án những hành vi khiêu khích lặp đi lặp lại của Triều Tiên.

Cuộc họp lần này diễn ra chỉ một ngày sau khi Triều Tiên thông báo nước này đã thử nghiệm thành công một động cơ thiết kế cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Nếu tuyên bố này được xác thực thì đây sẽ là bước tiến lớn của Triều Tiên trong chương trình hạt nhân và tên lửa. Theo nhà lãnh đạo Kim Jong-Un, giờ đây Bình Nhưỡng có thể lắp đầu đạn hạt nhân vào loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới và có thể đưa bất kỳ kẻ thù nào, trong đó có phần lục địa của Mỹ, vào tầm tấn công. Vì vậy, ngay trước thềm hội nghị, một số nước đã bày tỏ quan ngại về chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng và thúc giục cộng đồng quốc tế gia tăng sức ép lên Triều Tiên. Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao M.Toner nêu rõ, phía Mỹ đã có báo cáo về những tuyên bố của Triều Tiên liên quan đến công nghệ động cơ mới cho các ICBM. Washington yêu cầu Bình Nhưỡng kiềm chế những hành động, cũng như tuyên bố có thể gây bất ổn thêm cho khu vực và tập trung thực hiện những bước đi rõ ràng hướng tới việc thực thi đầy đủ các cam kết, nghĩa vụ quốc tế. Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cảnh báo Triều Tiên sẽ "phải trả giá đắt" vì các hành vi mang tính khiêu khích bất chấp phản ứng của cộng đồng quốc tế.

Trong thời gian diễn ra hội nghị, các ngoại trưởng cũng sẽ đi thăm bảo tàng chứng tích bom nguyên tử từng thả xuống Hiroshima. Đây được xem là chủ ý rõ ràng của phía Nhật Bản nhằm truyền đạt thông điệp về sức tàn phá khủng khiếp của bom nguyên tử và thúc giục thế giới đẩy mạnh phi hạt nhân hóa. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, Thủ tướng S.Abe, Chủ tọa Hội nghị Thượng đỉnh G7 đã không dưới một lần nêu rõ quan điểm rằng, các cường quốc kinh tế thế giới phải đoàn kết trong các vấn đề liên quan đến Châu Á. Thế nên, những tuyên bố của hội nghị lần này về vấn đề Biển Đông, biển Hoa Đông và các hoạt động gia tăng phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên nhiều khả năng cũng là quan điểm được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 sắp tới.

Theo Hanoimoi
Bình luận
Back To Top