Chính trường Ukraine "dậy sóng"

00:00 - Thứ Ba, 12/04/2016 Lượt xem: 2159 In bài viết
Trước sức ép ngày một lớn từ phía dư luận khi người dân không còn tin tưởng người đứng đầu chính phủ trong cuộc chiến chống tham nhũng cũng như những giải pháp khắc phục tình trạng trì trệ của nền kinh tế, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk vừa phải đưa ra quyết định từ chức.

Theo tuyên bố mới nhất, Thủ tướng A.Yatsenyuk sẽ đệ đơn (từ chức) lên Quốc hội nước này trong hôm nay 12-4.

Ông A.Yatsenyuk giữ vị trí đứng đầu nội các Ukraine từ tháng 2-2014, sau chính biến "Maidan". Tuy nhiên, sự bất mãn trong dân chúng với chính sách của Chính phủ mới bùng nổ từ cuối năm ngoái tại quốc gia Đông Âu này. Tình hình càng phức tạp hơn sau khi các nghị sĩ trong Quốc hội đánh giá hoạt động của Chính phủ không hiệu quả nhưng lại chưa thể bãi nhiệm Thủ tướng đương nhiệm A.Yatsenyuk. Điều này khiến một số đảng phái rút khỏi liên minh cầm quyền trong Quốc hội Ukraine.

Thủ tướng A.Yatsenyuk dự kiến đệ đơn xin từ chức lên Quốc hội trong ngày 12-4.

Không chỉ riêng giới cầm quyền, một kết quả thăm dò dư luận công bố mới đây cho thấy, có tới 70% người dân Ukraine phản đối thủ lĩnh cuộc cách mạng màu A.Yatsenyuk tiếp tục giữ chức Thủ tướng. Để tránh một cuộc khủng hoảng chính trị đi xa hơn, trung tuần tháng 2 vừa qua, Tổng thống Petro Poroshenko đã yêu cầu Thủ tướng A.Yatsenyuk phải từ chức, đồng thời đề xuất thành lập chính phủ mới.

Quyết định rời "ghế" của Thủ tướng A.Yatsenyuk đưa ra chưa đầy 2 tháng sau khi ông này vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội. Việc nhà "cải cách" A.Yatsenyuk không thể trụ vững trên chính trường là một kết cục được dự báo. Theo đề xuất của Tổng thống P.Poroshenko, ngày 29-3 vừa qua, các đảng phái chính trị trong Quốc hội Ukraine gồm đảng Khối Poroshenko (BPP), đảng Tổ quốc (Batkivshina) và đảng Mặt trận dân tộc đã nhất trí thành lập liên minh mới tại Quốc hội, với việc đề xuất ứng cử viên Vladimir Groisman, Chủ tịch Quốc hội đương nhiệm làm người đứng đầu nội các mới.

Ông V.Groisman cũng tuyên bố sẵn sàng lãnh đạo chính phủ mới của Ukraine khi nhấn mạnh đã có kế hoạch hành động cho quốc gia Đông Âu này. Theo đó, Ukraine cần bảo đảm mọi nghĩa vụ trong khuôn khổ thực hiện các chương trình của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng như giải quyết các vấn đề liên quan đến thỏa thuận liên kết với Liên minh Châu Âu (EU).

Thế nhưng, tranh cãi đã nổ ra tại Ukraine sau khi Tổng thống Petro Poroshenko, trong một phát biểu mới nhất ngày 11-4, lên tiếng bác bỏ việc giải tán Quốc hội, đồng thời tuyên bố muốn tiếp tục làm việc với Quốc hội hiện tại. Theo các đảng đối lập, sự kiện Thủ tướng A.Yatsenyuk quyết định từ chức có nghĩa là chính quyền đương nhiệm đã sụp đổ và việc thay thế Chính phủ cũng sẽ không xoay chuyển được tình hình. Vì thế, quốc gia Đông Âu này cần một cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn nhằm thành lập một chính phủ mới có thể giúp Ukraine thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay. Các đảng đối lập cũng chỉ ra rằng, trong một năm rưỡi qua, Quốc hội và Chính phủ của Thủ tướng A.Yatsenyuk đã gây thiệt hại to lớn cho mỗi người dân và cả đất nước Ukraine. Trong đó, đáng chú ý là lạm phát đã tăng lên tới 50%, đồng nội tệ hryvnia mất giá, thuế tăng gấp 7 lần, trong khi nợ quốc gia tăng lên 1.500 tỷ hryvnia...

Sự ra đi của Thủ tướng A.Yatsenyuk vào thời điểm chính trường Ukraine đứng trước nhiều bất ổn, trong khi Tổng thống P.Poroshenko phải hứng chịu một cú sốc từ tài liệu bị rò rỉ trong "Hồ sơ Panama" liên quan tới vua "Socola" trước khi giữ chức Tổng thống Ukraine. Trên mặt trận đối ngoại, Tổng thống P.Poroshenko cũng gặp không ít thách thức khi đầu tháng 3 vừa qua, EU thông qua quyết định không thực hiện quy chế miễn thị thực cho công dân nước này.

Quyết định này cho thấy giấc mơ "trời Âu" vẫn quá xa vời với người dân Ukraine. Theo Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker, sở dĩ EU hành động như vậy là do Kiev không thực hiện các cam kết chống tham nhũng. Ông Jean-Claude Juncker thậm chí còn lên tiếng khẳng định, Ukraine sẽ không "có cửa" gia nhập EU hoặc NATO trong vòng 20-25 năm nữa. Những thông tin này cho thấy EU và NATO dường như đang muốn cách Ukraine càng xa càng tốt.

Hơn hai năm đã qua kể từ cuộc đảo chính lật đổ cựu Tổng thống Viktor Yanukovych (ngày 20-2-2014), sóng gió dường như chưa bao giờ ngưng trên chính trường Ukraine. Những bất đồng giữa Chính phủ, Quốc hội và người dân khiến xuất hiện quan ngại nguy cơ về một cuộc đảo chính mới. Chưa ai dám khẳng định tương lai Ukraine sẽ đi về đâu dù thay đổi cả hệ thống chính trị nước này song quyết định từ chức vào thời điểm này của "thủ lĩnh" A.Yatsenyuk cho thấy nước cờ cuối cùng của nhà cách mạng "Maidan" trong cuộc "đối đầu" thầm lặng với Tổng thống P.Poroshenko. Một nội các mới nhằm hiện thực hóa những cam kết cải cách kinh tế và tiến tới trở thành một quốc gia độc lập về năng lượng mà Kiev đang cố thực hiện được xem là cần thiết đối với một đất nước đang bị giằng xé trong trò chơi quyền lực toàn cầu hiện nay.

Theo Hanoimoi
Bình luận
Back To Top