Mạng lưới IS giăng khắp châu Âu

00:00 - Thứ Tư, 27/04/2016 Lượt xem: 2339 In bài viết
Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ James Clapper ngày 25-4 cho biết, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có mạng lưới ở khắp lãnh thổ các quốc gia châu Âu như Anh, Đức, Italia và Bỉ.

Cảnh sát Bỉ canh gác tại nhà ga Maalbeek ở thủ đô Brussels.

Nguy cơ khủng bố hàng loạt

Trả lời phỏng vấn trên trang mạng Christian Science Monitor, ông J.Clapper tuyên bố Washington tiếp tục có các bằng chứng chứng minh IS đang lên kế hoạch tấn công tại Anh, Đức và Italia. Theo đó, ở một số cấp độ, các tay súng IS đang lợi dụng cuộc khủng hoảng người di cư ở châu Âu để thực hiện âm mưu tấn công khủng bố vào những quốc gia ở châu Âu.

Tuyên bố trên của ông Clapper đưa ra trong bối cảnh IS vừa tung ra một video với nội dung đe dọa có thể tiến hành thêm các vụ tấn công ở phương Tây, trong đó chỉ rõ các mục tiêu tiềm tàng là thủ đô London (Anh), Berlin (Đức) và Roma (Italia). Lời đe dọa trên do một thành viên IS nói bằng tiếng Anh, sau khi đề cập đến các vụ tấn công trước đó ở thủ đô Paris, Pháp và Brussels, Bỉ.

Trước đó, kênh truyền hình BBC của Anh cho biết trước khi thực hiện âm mưu tấn công khủng bố nhằm vào thủ đô Paris và Brussels, các đối tượng thành viên của một số nhóm IS ngầm đã lập nhiều kế hoạch “một loạt các hoạt động phá hoại khác nhau”, trong đó những hành động phá hoại được nghiên cứu ở nhiều cấp độ khác nhau. Theo BBC, mạng lưới của tổ chức khủng bố IS ở Bỉ bao gồm hai nhóm đang lên kế hoạch tổ chức các vụ tấn công khủng bố quy mô lớn hoặc tiến hành một loạt các vụ tấn công nhỏ lẻ vào thời điểm sau các vụ tấn công khủng bố lớn.

Nhật báo The Expressen của Thụy Điển ngày 26-4 đưa tin chính quyền Iraq đã báo cho Cơ quan an ninh Thụy Điển (SAPO) về một nhóm đối tượng được cho là đang lên kế hoạch thực hiện một vụ tấn công khủng bố tại thủ đô Stockholm. Báo trên cho hay chính quyền Iraq đã thông báo cho nhà chức trách Thụy Điển rằng 7 hoặc 8 phần tử khủng bố IS đã tới quốc gia Bắc Âu này. Báo trên dẫn lời các nguồn tin chưa được xác định cho biết thêm rằng SAPO đã cử nhân viên sang Iraq để thu thập thêm thông tin. Trong một tuyên bố trên trang tin điện tử riêng, SAPO cho biết cơ quan này đã có hành động, song không cung cấp thêm chi tiết.

Nhiều lỗ hổng an ninh

Sau khi giới lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi các nước thành viên tăng cường hợp tác đối phó với tình trạng các phần tử cực đoan từng tham chiến tại Syria và Iraq quay về châu Âu, Điều phối viên về chống khủng bố của EU Gilles de Kerchove cảnh báo vẫn còn nhiều bất cập trong hoạt động trao đổi thông tin tình báo về các tay súng từng tham chiến cho IS quay trở lại châu Âu. Ông Gilles de Kerchove khẳng định vẫn còn quá nhiều lỗ hổng liên quan đến hoạt động cung cấp thông tin cho Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) về số lượng các tay súng từng ra nước ngoài chiến đấu cho IS và quay trở về tiến hành các vụ tấn công trong lòng châu Âu.

Cơ sở dữ liệu của Europol chỉ chứa thông tin về 2.956 tay súng nước ngoài của IS, trong khi ước tính chính thức cho thấy khoảng 5.000 công dân EU đã tham chiến trong hàng ngũ IS.

Theo ông Kerchove, 90% những cái tên trong cơ sở dữ liệu của Europol được nhập vào năm 2015 và chỉ do 5 trên tổng số 28 nước thành viên EU tham gia cập nhật. Trong khi đó, cơ sở dữ liệu khác của Hệ thống thông tin châu Âu còn nghèo nàn hơn khi danh sách chỉ có 1.615 tên. Các vụ tấn công đẫm máu tại Paris (Pháp) và Brussels (Bỉ) đã chỉ ra một thực tế đáng buồn rằng cảnh sát chống khủng bố chỉ biết thông tin về một số trong các thủ phạm, ngoài ra những đối tượng khủng bố này lại cũng có liên hệ với một vài nước thành viên EU khác nhau. Cao ủy EU về Di cư và chống khủng bố Dimitris Avramopoulos cũng cho rằng cơ sở dữ liệu về các đối tượng khủng bố của các nước thành viên nên được kết nối với nhau nhanh và đơn giản hơn hiện nay.

Thực tế này càng cho thấy tầm quan trọng của việc các nước cần tăng cường chia sẻ thông tin tình báo trong cuộc chiến chống khủng bố. Khi các nước châu Âu không được cung cấp đủ cơ sở dữ liệu về các tay súng thánh chiến, những đối tượng nguy hiểm này hoàn toàn có thể vào châu Âu mà không bị phát hiện.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top