Trung Quốc chơi bài cũ: Cấm bắt cá trên biển Đông

00:00 - Chủ Nhật, 08/05/2016 Lượt xem: 1633 In bài viết
Trung Quốc lại tiếp tục có những hành động phi lý, làm gia tăng căng thẳng trên biển Đông khi ngang nhiên đơn phương tuyên bố đẩy mạnh lệnh cấm đánh bắt cá ở biển Đông.

Khai thác bừa bãi

Trang tin Chinanews dẫn lời một quan chức của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết, lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông từ ngày 16-5 đến 1-8 sẽ do hải cảnh và cơ quan ngư nghiệp địa phương thực hiện, áp dụng với tàu thuyền cả trong nước và nước ngoài. Lệnh cấm này được Trung Quốc áp đặt gần như toàn bộ biển Đông, kéo dài tới vĩ tuyến 12 (sát với Indonesia) và bị nhiều nước trong khu vực phản đối.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, mỗi năm ngư dân nước này đánh bắt tới hơn 13 triệu tấn hải sản ở biển Đông, khiến môi trường biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục bị cáo buộc hủy hoại môi trường biển Đông, đặc biệt với việc phá hoại san hô khi bồi đắp, mở rộng phi pháp nhiều đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam và khai thác hải sản bừa bãi tại các vùng có san hô, nơi trú ẩn và sinh trưởng của nhiều loài cá có giá trị kinh tế cao, nguồn thực phẩm quan trọng của các cư dân ven bờ biển Đông.

Indonesia bắt giữ tàu Hua Li 8 của Trung Quốc vì hoạt động trái phép trong vùng biển của quốc gia Đông Nam Á này.

Các quốc gia ven biển Đông như Philippines cũng liên tục phải đối mặt với nạn tàu cá Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế. Tàu cá Trung Quốc còn gây lo ngại cho cả Indonesia và Malaysia. Cá ở biển Đông ngày càng cạn kiệt, ngư dân Trung Quốc chuyển sang đánh bắt ồ ạt tại nhiều nơi khác, đặc biệt là ở ngoài khơi miền Tây châu Phi. Đầu năm nay, 24 quốc gia châu Phi ra tuyên bố chung kêu gọi Trung Quốc ngừng khai thác bất hợp pháp tại vùng biển này. Theo một nghiên cứu, hàng năm ước tính Trung Quốc đánh bắt hơn 2 triệu tấn cá tại Tây Phi.

Từ năm 1999, Trung Quốc hàng năm đều đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông, nơi nước này ngang ngược tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ. Giới quan sát nhận định trong bối cảnh biển Đông đang căng thẳng như hiện nay, can thiệp đơn phương của Trung Quốc nhắm vào các tàu nước ngoài rất có thể sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường.

PCA, ASEAN, ADIZ

Toà án Trọng tài thường trực (PCA) tại The Hague, Hà Lan có thể sẽ ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc tuyên bố chủ quyền 9 đoạn bất hợp pháp ở biển Đông trong tháng 5 này. Mỹ và châu Âu đã kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ phán quyết của PCA. Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho hay, trong trường hợp bất lợi, Bắc Kinh có thể cố gắng chiêu dụ một số nước ủng hộ lập trường của mình và gây chia rẽ nội bộ ASEAN. Nhiều nhà phân tích nhận định, với chiêu bài này, Trung Quốc sẽ phải lĩnh đòn “gậy ông đập lưng ông”.

Chuyên gia an ninh về châu Á - Thái Bình Dương J.Berkshire Mille cho rằng tính toán của Bắc Kinh sẽ khó thành vì Trung Quốc chỉ lôi kéo được “một số đối tác thân thiết” và do đó, tiếng nói ủng hộ lập trường của Bắc Kinh mất hết trọng lượng. Mặt khác, thâm ý gây chia rẽ của Trung Quốc đã bị ASEAN tố giác khi mà một nhà ngoại giao của Singapore vừa qua đã hỏi thẳng rằng: Phải chăng Trung Quốc muốn can thiệp vào nội bộ ASEAN?

Trong khi đó, nhận định về khả năng Trung Quốc lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Đông, nhà nghiên cứu Felix K.Chang của Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại, nhận định, có 2 lý do khiến Trung Quốc chưa lập ADIZ trên biển Đông tương tự tại biển Hoa Đông vào năm 2013. Thứ nhất, Trung Quốc không muốn làm Mỹ “nóng mặt” sau khi cường quốc số 1 thế giới đầu năm nay đã công khai cảnh cáo Trung Quốc, sẽ không chấp nhận nếu Bắc Kinh tự tiện lập ADIZ trên biển Đông. Thứ hai, việc thiết lập ADIZ sẽ liên quan đến 2 thành viên có ảnh hưởng lớn trong khối ASEAN: Malaysia và Indonesia.

Cả 2 quốc gia này đều chọn giải pháp giảm thiểu tranh cãi, tránh gây căng thẳng với Trung Quốc, dùng biện pháp ngoại giao để thuyết phục về lợi ích của một giải pháp đa phương cho tranh chấp trong khu vực. Một ADIZ của Trung Quốc bao trùm lên toàn bộ biển Đông chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cả Malaysia lẫn Indonesia. Quyết định này có thể khiến Malaysia và Indonesia xích lại gần với các quốc gia có liên quan đến vấn đề tranh chấp trên biển Đông, cùng đoàn kết lại. Điều này làm mưu kế khuyến dụ từng nước giải quyết tranh chấp song phương với Bắc Kinh bị đổ bể. Hơn nữa, ADIZ ở biển Đông sẽ làm những ai tin rằng thái độ dịu nhẹ sẽ làm Trung Quốc bớt hung hăng với mình, phải suy nghĩ lại.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top