Đồng nội tệ của Trung Quốc tiếp tục giảm sâu

00:00 - Chủ Nhật, 05/06/2016 Lượt xem: 3062 In bài viết
Theo hệ thống giao dịch ngoại hối Trung Quốc, tỉ giá tham chiếu của đồng Nhân dân tệ (NDT) trong sáng 30/5 đã giảm 294 điểm cơ bản xuống 6,5784 NDT/USD - mức thấp nhất kể từ tháng 2/2011 và là mức giảm sâu nhất trong vòng 20 năm qua.

Chưa dừng lại ở đó, tỉ giá tham chiếu ngày 3/6/2016 được thiết lập ở mức 6,5793 NDT/USD, dẫn đến lo ngại đồng tiền này tiếp tục giảm sâu.

Một phần nguyên nhân khiến NDT liên tục giảm giá trong những ngày gần đây bắt nguồn từ sự xuống giá hàng loạt các đồng tiền chủ chốt so với USD sau bình luận của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cuối tuần trước về khả năng Fed sẽ tăng lãi suất trong vài tháng tới nếu nền kinh tế Mỹ phát đi các dấu hiệu khởi sắc.

Tuy nhiên, nguyên nhân cơ bản được nhiều chuyên gia quốc tế cho là các động thái phá giá liên tiếp là do các áp lực kinh tế, khi Chính phủ Trung Quốc liên tục bơm vốn vào nền kinh tế nhằm chặn đà suy giảm GDP và làn sóng đào thoát nguồn vốn khỏi thị trường tài chính Trung Quốc, mặc dù quốc gia này lý giải sự phá giá đồng tiền là do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBC) đã thay đổi cách thức quản lý NDT theo hướng giữ đồng tiền này ổn định so với giỏ tiền tệ quốc tế đồng thời giảm tầm quan trọng của tỉ giá hối đoái so với USD.

Riêng trong ngày 30/5/2016, PBC đã bơm thêm 65 tỷ NDT (tương đương 9,88 tỷ USD) vào thị trường thông qua nghiệp vụ repo với mức lãi suất 2,25%/năm nhằm giảm tình trạng căng thẳng về thanh khoản. Trước đó, trong hai ngày 26-27/5, PBC đã bơm thêm lần lượt 75 tỷ và 95 tỷ NDT vào hệ thống tài chính quốc gia.

Cùng với sự xuống giá của hầu hết các mặt hàng do Trung Quốc sản xuất trong bối cảnh nhu cầu nội địa suy yếu, tác hại từ việc NDT mất giá có vẻ trầm trọng hơn.

Diễn biến ngày càng xấu đi của kinh tế Trung Quốc đang trở thành chủ đề nóng tại nhiều hội nghị và hội thảo quốc tế. Trong hai ngày 28-29/4/2016, buổi hội thảo đầu tiên về Trung Quốc do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phối hợp với Cục Dự trữ bang Atlanta (Mỹ) tổ chức nhằm đánh giá thực trạng kinh tế Trung Quốc và những vấn đề nổi lên khi Trung Quốc đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Các chuyên gia tham dự hội thảo nhận định: Sau ba thập kỷ đạt mức tăng trưởng cao, Trung Quốc giờ đây đang phải đối mặt với những thách thức trong việc tái cân bằng kinh tế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng chậm lại và còn nhiều khó khăn.

Trong 30 năm qua, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chủ yếu dựa vào nguồn vốn đầu tư và hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, Trung Quốc ngày càng phải vấp phải các vấn đề về cơ cấu: Bất bình đẳng gia tăng, năng lực dư thừa - hệ quả của những bất ổn về chính sách, thị trường tài chính bất ổn, rủi ro hệ thống ngày càng tăng…

Các chuyên gia cũng cho rằng, kinh tế Trung Quốc là sự kết hợp giữa nhiều động lực tăng trưởng với những biến dạng rất lớn. Trong đó, tình trạng đối xử không công bằng giữa khu vực doanh nghiệp Nhà nước với doanh nghiệp tư nhân là rào cản lớn nhất. Cải cách doanh nghiệp Nhà nước đang trở thành vấn đề cấp bách làm cơ sở để đẩy mạnh khu vực dịch vụ, góp phần cải thiện năng suất lao động và thu nhập, qua đó đẩy mạnh tiêu dùng cá nhân và góp phần tái cân bằng kinh tế. Tuy nhiên, khó khăn trong việc cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước đã cản trở khiến khu vực dịch vụ không có cơ hội phát triển. Vì thế, quá trình chuyển đổi kinh tế rất khó thành công.

Liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, khi GDP tăng thấp hơn mục tiêu đề ra, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã can thiệp quá mạnh, khiến lượng tiền trong lưu thông tăng quá mức. Tình trạng phân bổ vốn không hiệu quả kéo dài do phần lớn tín dụng ngân hàng dành cho khu vực doanh nghiệp nhà nước, trong khi việc giám sát nguồn vốn cho vay lại bị coi nhẹ, nợ nần tăng cao. Theo thống kê của các nhà phân tích kinh tế độc lập, tổng số nợ chính phủ, doanh nghiệp và người dân Trung Quốc ở thời điểm hiện tại nhiều hơn gấp 4,3 lần con số chính thức, tức phải chạm ngưỡng 28.000 tỷ USD, tương đương 282% GDP.

Gần đây, thị trường tài chính Trung quốc bất ổn và giá nhà đất tăng đã làm tăng nguy cơ bất ổn tài chính. Quy định tỉ lệ tiền gửi và cho vay đã đẩy nhiều ngân hàng nhỏ vào tình cảnh khó khăn do các ngân hàng thương mại nhà nước sử dụng chiêu bài tăng lãi suất tiền gửi để thu hút người gửi tiền và hạn chế thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng, điều này vô hình trung đã tạo ra xu hướng căng thẳng thanh khoản trong toàn hệ thống ngân hàng.

Việc bơm vốn để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đã giúp thị trường nhà đất phục hồi trở lại, nhưng giá nhà đất có thể sẽ giảm nhanh nếu tăng trưởng kinh tế giảm mạnh. Đến lượt nó, giá nhà đất giảm sẽ đẩy nền kinh tế giảm sâu.

Về thu nhập, kinh tế tăng cao trong những thập kỷ qua đã dẫn đến bất bình đẳng về thu nhập giữa lao động có trình độ và lao động không có chuyên môn tại các vùng nông thôn. Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ đã mở rộng tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ các đối tượng nghèo thông qua chương trình phát triển hạ tầng nông thôn. Tuy nhiên, chương trình này chỉ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, không phải là biện pháp dài hạn trước làn sóng di cư ồ ạt từ các vùng nông thôn ra thành thị để kiếm sống.

Với quyết định của IMF đưa đồng tiền của Trung Quốc vào giỏ tiền tệ dự trữ quốc tế từ ngày 1/10/2016 tới, mức độ tự do hóa tài khoản vốn ngày càng tăng và đồng NDT sẽ được sử dụng rộng rãi, góp phần định hình lại và điều chỉnh các giao dịch xuyên biên giới.

Tuy nhiên, rào cản pháp lý và thể chế có thể hạn chế mức độ sử dụng NDT làm đồng tiền trú ẩn như USD hiện nay. Hơn nữa, các nỗ lực xóa bỏ những rào cản trong quá trình tự do hóa tài khoản vốn trong bối cảnh thiếu vắng cơ chế giám sát thị trường tài chính và điều chỉnh thích hợp cũng như cải cách tỉ giá đang dẫn đến hậu quả là rủi ro tài chính ngày càng tăng.

Theo Chinhphu
Bình luận
Back To Top