Tái chiếm Mosul (Iraq):

Cuộc chiến nhiều gian truân

09:25 - Thứ Tư, 04/01/2017 Lượt xem: 2953 In bài viết
Chiến dịch tổng lực của quân đội Iraq nhằm giải phóng TP Mosul - thành trì cuối cùng của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) - chuẩn bị bước sang tháng thứ 3 với những bước tiến đáng khích lệ.

Tuy nhiên, càng tiến sâu vào Mosul, khó khăn đối với quân chính phủ càng lớn do vấp phải sự kháng cự điên cuồng của các tay súng IS. Thách thức về an ninh ở nhiều khu vực khác của Iraq cũng sẽ gia tăng do những cuộc tấn công mà nhóm khủng bố này thực hiện nhằm trả đũa cho những gì đang diễn ra ở Mosul.

 

Quân đội Iraq đang vạch chiến lược cho cuộc tấn công tiếp theo tại Mosul.

Chỉ trong 1 tuần lễ, thủ đô Baghdad đã liên tiếp phải chứng kiến 3 vụ đánh bom kinh hoàng khiến gần 100 người thiệt mạng, hơn 100 người bị thương. Dù an ninh đã được tăng cường tại khu vực an toàn nhất tại Iraq này từ nhiều tháng trước, song rất khó để ngăn chặn các vụ tấn công theo kiểu đơn lẻ ngay tại đất nước bị nhiều nhóm khủng bố coi là thành trì. Trên thực tế, việc gia tăng các vụ tấn công tại Baghdad đã được dự đoán từ khi quân đội Chính phủ Iraq mở chiến dịch tái chiếm Mosul. Đến nay, khi các binh sĩ nước này đã giành lại khoảng 2/3 lãnh thổ phía Đông của thành phố, nhưng nguy cơ về an ninh sẽ tăng mạnh tại thủ đô là điều hoàn toàn dễ hiểu. Đặc biệt, Mosul không chỉ là căn cứ địa cuối cùng của IS tại Iraq mà còn được coi là biểu tượng về tinh thần của nhóm khủng bố tàn bạo nhất thế giới này.

Vì thế, ngay khi Iraq tuyên bố chiến dịch nhằm vào Mosul, thủ lĩnh tối cao IS, Abu Bakr al-Baghdadi đã kêu gọi các thành viên “tử thủ” ở thành phố. Đây là lần đầu tiên, Abu Bakr al-Baghdadi lộ diện và ra lệnh cho các tay súng dưới quyền chiến đấu đến cùng. Điều đó cho thấy với IS, Mosul có vị trí rất quan trọng. Trước đây, nhiều người từng nghĩ rằng Raqqa (Syria) mới là thủ phủ của IS, nhưng trên thực tế, Mosul mới chính là nơi nhóm này chọn làm trung tâm. Thứ nhất, IS là nhóm khủng bố có xuất xứ Iraq và Mosul là nơi tập trung đông thành viên nhất của chúng. Nhóm khủng bố này chiến đấu ở Iraq lâu nhất và chúng có cơ sở xã hội ở nước này mạnh hơn ở Syria. Thứ hai, Mosul chính là nơi IS tuyên bố thành lập cái gọi là vương quốc Hồi giáo. Do đó, nhóm khủng bố sẽ bằng mọi cách kéo dài cuộc chiến và đẩy cao cái giá mà đối phương phải trả cho việc tái chiếm Mosul.

Hiện khó khăn lớn nhất mà quân đội Iraq phải đối mặt trong trận chiến này là làm thế nào để đảm bảo an toàn cho người dân. Theo thống kê, vẫn có khoảng 1,5 triệu dân thường đang sinh sống tại khu vực này và nguy cơ họ bị sử dụng làm "lá chắn sống" rất cao. Điều này không phải chưa từng xảy ra. Cách đây chưa lâu, 2.000 dân thường đã bị đưa tới Tal Afar để chống lại đà tiến bước của các lực lượng vũ trang Iraq. Bên cạnh đó, việc IS sử dụng hệ thống đường hầm xung quanh thành phố để thực hiện các cuộc phục kích, tấn công bất ngờ cũng gây khó khăn cho quân đội Iraq. Nhiều khu vực sau khi nằm dưới sự kiểm soát của quân đội lại bị IS tấn công quyết liệt đoạt lại nên phải mất thêm nhiều thời gian nữa để tái chiếm. Một báo cáo mới đây của Liên hợp quốc cho biết, IS đang tàng trữ vũ khí hóa học và nhiều khả năng sẽ sử dụng để cố thủ ở Mosul. Càng kéo dài thời gian, áp lực với liên quân sẽ càng lớn khi những thiệt hại về tài chính, con người để duy trì cuộc chiến là không nhỏ.

Trong một phát biểu mới nhất trước các binh sĩ của quân đội Pháp đang đóng ở Iraq, Tổng thống Francois Hollande đã bày tỏ hy vọng trong năm 2017 sẽ là “năm chiến thắng chủ nghĩa khủng bố”. Ông chủ Điện Elysee cũng khẳng định, cuộc chiến giành lại Mosul từ tay IS có thể thắng lợi vào mùa xuân 2017. Tuy nhiên, với những thách thức lớn trước mắt, con đường đi đến mục tiêu cuối cùng tại Mosul còn phải vượt qua rất nhiều gian truân.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top