Cuộc trưng cầu dân ý gây chia rẽ

10:02 - Thứ Tư, 19/04/2017 Lượt xem: 5793 In bài viết
Không nằm ngoài dự đoán, phe ủng hộ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã giành thắng lợi trong cuộc trưng cầu dân ý sửa đổi Hiến pháp diễn ra ngày 16-4. Kết quả này đồng nghĩa với việc hầu hết quyền lực sẽ chuyển vào tay tổng thống và ông R.Erdogan có thể tại nhiệm ít nhất đến năm 2029.

Theo tin từ Hãng thông tấn nhà nước Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, tỷ lệ cử tri ủng hộ sửa đổi Hiến pháp trong cuộc trưng cầu ý dân đạt 51,3% sau khi 99% số phiếu được kiểm. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 86%. Nếu dự luật trên được thực thi, chức vụ thủ tướng sẽ lần đầu tiên bị bãi bỏ trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ. Ông R.Erdogan sẽ trở thành "siêu tổng thống" ở cả khía cạnh quyền hạn lẫn thời gian giữ chức. Theo đó, nhà lãnh đạo cứng rắn này sẽ có thêm nhiều vai trò trong điều hành Chính phủ, đề xuất các khoản thu chi ngân sách, ban hành sắc lệnh, ban bố tình trạng khẩn cấp mà không cần Quốc hội thông qua. Tổng thống cũng sẽ có quyền bổ nhiệm các quan chức nhà nước cấp cao và giải tán Quốc hội. Trong trường hợp phạm tội nghiêm trọng, Tổng thống chỉ có thể bị bãi nhiệm nếu có 60% số nghị sĩ tán thành.

 

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R.Erdogan phát biểu trước những người ủng hộ cải cách Hiến pháp.

Theo các nhà bình luận, tỷ lệ chênh lệch sít sao phiếu bầu giữa hai phe ủng hộ và phản đối cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rơi vào chia rẽ nghiêm trọng sau cuộc trưng cầu dân ý. Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, hàng nghìn người dân đã đổ ra đường biểu tình, phản đối chính quyền Tổng thống R.Erdogan. Nhiều cuộc tranh cãi và ẩu đả đã xảy ra. Đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) đối lập chính ở Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ yêu cầu kiểm lại đến 60% số phiếu của cuộc trưng cầu ý dân. Theo quan điểm của những người còn hoài niệm về thời kỳ hoàng kim của đế chế Ottoman, cải cách Hiến pháp, tăng thêm quyền lực cho Tổng thống đương nhiệm sẽ giúp vực dậy nền kinh tế trì trệ của đất nước cũng như ổn định chính trị. Tuy nhiên, những người phản đối lại lo sợ động thái này sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ trở nên ít dân chủ hơn, chia cắt xã hội sẽ trầm trọng hơn và có thể biến Tổng thống thành một nhà độc tài. Nhiều chính sách cứng rắn được đưa ra gần đây là một trong những nguyên nhân làm thổi bùng chia rẽ chính trị và tôn giáo tại đất nước này.

Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ đang phải hứng chịu hàng loạt vấn đề rắc rối do hệ quả của cuộc đảo chính bất thành 9 tháng trước. Để kiểm soát chính quyền sau binh biến, ông R.Erdogan đã sa thải tới 130.000 nhân viên hành chính công và bắt giữ khoảng 45.000 người, tạo ra một khoảng trống hành chính lớn và khiến mâu thuẫn xã hội gia tăng. Nhiều ý kiến cho rằng, xung đột nội bộ sẽ tạo điều kiện để các nhóm khủng bố và cực đoan khai thác, đẩy quốc gia nằm giữa hai lục địa Á - Âu này đứng trước những mối đe dọa an ninh nghiêm trọng. Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đối mặt với khó khăn về kinh tế. Ngành Du lịch, vốn được coi là mũi nhọn của kinh tế nước này đang chịu thiệt hại nặng nề do tình trạng bất ổn. Nhiều nhà phân tích cảnh báo, các chỉ số vẫn có khả năng đi theo chiều hướng tiêu cực bởi Thổ Nhĩ Kỳ đang tồn tại quá nhiều vấn đề cần giải quyết.

Thêm vào đó, quốc gia này còn gặp bế tắc trong xử lý cuộc khủng hoảng di cư cùng với mối quan hệ không còn “mặn nồng” với Mỹ và EU. Việc cải cách Hiến pháp được cho đã đặt dấu chấm hết đối với hy vọng gia nhập Liên minh Châu Âu (EU) mà Ankara thúc đẩy nhiều năm qua khi các lãnh đạo Lục địa già chỉ trích nặng nề việc Tổng thống R.Erdogan thâu tóm quyền lực thông qua thay đổi luật pháp quốc gia. Tóm lại, cuộc trưng cầu dân ý có thể mang lại những thay đổi lịch sử về mặt thể chế cho Thổ Nhĩ Kỳ, song cũng khiến đất nước gần 75 triệu dân này đứng trước những thử thách chưa từng có về cả đối nội và đối ngoại trong vòng hai thập kỷ qua.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top