Phép thử sự kiên nhẫn

14:49 - Thứ Tư, 24/05/2017 Lượt xem: 6669 In bài viết
Ngay sau khi truyền thông Nhà nước Triều Tiên xác nhận nước này đã thử thành công tên lửa đạn đạo tầm trung đất đối đất Pukguksong-2 mới, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) lập tức tổ chức họp kín vào ngày 23-5 (giờ Mỹ) nhằm thảo luận về vụ việc. Vụ thử lần này cũng là trường hợp hiếm hoi Bình Nhưỡng tiến hành hai lần phóng tên lửa chỉ trong vòng một tuần, khiến tình hình bán đảo Triều Tiên lại trở nên "nóng" hơn bao giờ hết.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, vụ phóng thử nhằm kiểm tra lần cuối các thông số kỹ thuật và khả năng thích nghi của tên lửa trong các điều kiện chiến đấu khác nhau. Dù cũng sử dụng nhiên liệu rắn, nhưng Pukguksong-2 được xem là phiên bản mặt đất của loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) mà Bình Nhưỡng từng thử hồi tháng 2 vừa qua. Nhiều nguồn tin cho rằng, với tầm bắn chỉ 2.500km (ngắn hơn so với tên lửa Hwasong-12 đã thử trước đó ít ngày), tên lửa mới chưa thể vươn tới đảo Guam của Mỹ cách Triều Tiên khoảng 3.500km. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng dường như đã thu thập được nhiều dữ liệu quan trọng, khẳng định được tính ổn định của vũ khí mới nhờ vụ phóng lần này, nên ngay sau đó đã phê chuẩn việc triển khai sử dụng Pukguksong-2 trong chiến đấu. Được biết, trong lần thử mới nhất, tên lửa đã bay xa khoảng 500km, đạt tới độ cao 560km trước khi rơi xuống vùng biển phía Đông của Triều Tiên.

 

Vụ thử tên lửa mới nhất cho thấy Triều Tiên đã đạt nhiều tiến bộ trong công nghệ tên lửa.

Trước động thái mới của Triều Tiên, Hàn Quốc cho rằng vụ việc đã làm tiêu tan những hy vọng của chính phủ mới ở Seoul về triển vọng đối thoại xây dựng tương lai hòa bình giữa hai nước. Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng quân đội nước này, Tướng Lee Sun-jin cùng những người đồng cấp Joseph F.Dunford (Mỹ) và Katsutoshi Kawano (Nhật Bản) cũng tiến tới nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng ba bên nhằm đối phó với những diễn biến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Về phần mình, Người phát ngôn Chính phủ Nhật Bản khẳng định nước này sẽ tiếp tục gây áp lực lên Bình Nhưỡng, cả đơn phương lẫn phối hợp với cộng đồng quốc tế.

Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã lên tiếng kêu gọi Bình Nhưỡng không tiếp tục vi phạm các quy định của LHQ, đồng thời khuyến cáo các bên tránh các hành động khiêu khích, tiếp tục lộ trình đúng đắn là đối thoại và tham vấn, giữa lúc tình hình hết sức phức tạp và nhạy cảm. Trong thời gian qua, Trung Quốc cũng đã tiến hành những biện pháp trừng phạt nhất định với quốc gia láng giềng. Theo thống kê, giá trị hàng hóa nhập khẩu của nước này từ Triều Tiên trong tháng 4 đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, chỉ đạt 99,3 triệu USD, thua xa mức 114,6 triệu USD của tháng 3 và mức 167,7 triệu USD cùng kỳ năm 2016.

Trong khi các lần thử liên tiếp, mà theo giới chuyên gia đã cho thấy những bước tiến khá nhanh của Triều Tiên trong nỗ lực phát triển công nghệ tên lửa, thì những giải pháp ngoại giao gần như lại trong trạng thái đình trệ. Đã xuất hiện những ý kiến lo ngại về khả năng xung đột khi mọi việc đi quá giới hạn, song phần lớn nhận định cho rằng, Mỹ sẽ kiềm chế những quyết định tương tự do lo ngại về các cuộc tấn công trả đũa ồ ạt nhằm vào các đồng minh ở Đông Bắc Á. Tuy nhiên, Washington vẫn có thể tạo ra tình trạng căng thẳng quân sự thông qua các phương án khác mà không cần phải thực hiện tấn công trực tiếp như bao vây hải quân, áp đặt vùng cấm bay hay tuyên bố đưa thêm tàu sân bay USS Ronald Reagan tới gần bán đảo Triều Tiên, nơi tàu USS Carl Vinson đang hiện diện...

Giữa bối cảnh căng thẳng leo thang, không thể phủ nhận rằng phản ứng của cộng đồng quốc tế trước mọi động thái của Triều Tiên đều đóng vai trò rất quan trọng. Khi Bình Nhưỡng cho biết sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6, nếu các cường quốc khu vực không quản lý tốt các yếu tố rủi ro, khu vực Đông Bắc Á có thể rơi vào vòng xoáy của một cuộc đối đầu vũ trang rất đáng quan ngại.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top