Sóng gió chính trường Anh

14:28 - Thứ Tư, 14/06/2017 Lượt xem: 4511 In bài viết
Kết quả không mong đợi của đảng Bảo thủ cầm quyền trong cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra tuần trước đang đẩy chính trường Anh vào nguy cơ bất ổn, đồng thời ảnh hưởng tới quá trình đàm phán rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit - dự kiến bắt đầu vào ngày 19-6 tới.

Thất bại bất ngờ của đảng Bảo thủ cho thấy tín nhiệm của cử tri đối với hai chính đảng lớn nhất nước Anh đã thay đổi nhiều so với gần 2 tháng trước, thời điểm Thủ tướng Anh Theresa May kêu gọi tiến hành cuộc bầu cử sớm hơn lịch trình tới gần 3 năm. Vào lúc đó, chính đảng có lịch sử 183 năm tin rằng sẽ dễ dàng giành được chiến thắng áp đảo để có thể đứng ra thành lập chính phủ mới. Tới tận cuộc bầu cử địa phương hồi đầu tháng 5 vừa qua, đảng cầm quyền vẫn thắng lợi vang dội, khiến bà T.May càng tự tin vào quyết định được cho sẽ nâng cao vị thế của đảng Bảo thủ tại Quốc hội. Tuy nhiên, 3 vụ tấn công khủng bố liên tiếp trong 2 tháng, bao gồm 2 vụ ngay tại London mà một trong số đó xảy ra chỉ 5 ngày trước bỏ phiếu, được xem là nguyên nhân làm thay đổi cục diện cuộc bầu cử quan trọng của nước Anh và Chính phủ đương nhiệm.

 

Đồng bảng Anh lao dốc mạnh sau cuộc bầu cử Hạ viện tuần trước.

Mất đa số tuyệt đối tại Quốc hội, Thủ tướng T.May đang nỗ lực cứu vãn kết quả thất bại khi thúc đẩy đàm phán với đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) - đảng chính trị lớn nhất Bắc Ireland giành được 10 ghế trong tổng tuyển cử - để lập chính phủ liên minh. Song các nhà phân tích cho rằng, đứng đầu một chính phủ thiểu số, bà T.May từ nay sẽ phải phụ thuộc vào DUP để có thể giành được ưu thế tương đối. Chính những diễn biến này đã khiến đồng bảng Anh mất giá nhanh chóng - giảm 2% trong vài ngày qua. Chính phủ Anh cũng có thể sẽ phải hoãn kế hoạch đệ trình các chính sách mới lên Quốc hội, ảnh hưởng tới kế hoạch đàm phán Brexit.

Trên thực tế, cuộc bầu cử trước thời hạn từng được kỳ vọng là sẽ vạch rõ lộ trình cho các cuộc thương thảo rời EU. Thủ tướng T.May đã lên các kế hoạch Brexit "cứng". Tuy nhiên, thất bại vừa qua của đảng Bảo thủ có thể sẽ định hình lại chương trình Brexit. Ngày 12-6, lãnh đạo phe Bảo thủ Scotland Ruth Davidson tuyên bố, Chính phủ Anh cần coi kinh tế là trọng tâm của chiến lược rời EU, thay vì chỉ tập trung vào giảm nhập cư. Trong khi đó, Bộ trưởng đại diện cho Scotland trong chính phủ, ông David Mundell cho biết, thỏa thuận cuối cùng về Brexit phải được toàn bộ các đảng phái trong Quốc hội Anh ủng hộ. Rõ ràng, cho dù có liên minh với bất kỳ đảng phái nào để thành lập chính phủ thì mọi chính sách của bà T.May cũng như nội dung đàm phán về Brexit đã được đảng Bảo thủ chuẩn bị sẽ phải thay đổi nhiều.

Tuy nhiên, lại có ý kiến cho rằng, việc vận hành một chính phủ liên minh cũng không phải hoàn toàn bất lợi đối với tiến trình Brexit, vì lập trường của Anh trong quá trình đàm phán với EU có thể vì thế mà mềm mỏng hơn và cơ hội nước Anh ở lại Khu vực thị trường chung Châu Âu cũng lớn hơn. Trong một diễn biến mới nhất, ngày 13-6, các bộ trưởng cấp cao trong Chính phủ Anh cùng các thành viên Công đảng đối lập đã tổ chức những cuộc thảo luận kín về khả năng một Brexit "mềm". Theo đó, Thủ tướng T.May phải có những nhượng bộ về vấn đề nhập cư, liên minh hải quan Châu Âu và thị trường chung.

Hiện chính trường Anh vẫn đang sôi sục với những dự đoán về tương lai. Các ý kiến ủng hộ thúc giục chính phủ tiếp tục với kế hoạch đã định trong khi những người phản đối lại muốn "xem xét lại" chương trình đàm phán. Một khi việc thảo luận về Brexit bị trì hoãn sẽ kéo theo nhiều hệ lụy đối với nước Anh khi tình trạng “không rõ ràng” hiện nay trong quan hệ với EU đang gây ra những ảnh hưởng nhất định tới vị thế của London tại khu vực.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top