Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ công du vùng Vịnh:

Khẳng định vai trò ở Trung Đông

14:29 - Thứ Tư, 26/07/2017 Lượt xem: 6317 In bài viết
Chuyến công du kéo dài hai ngày tới các quốc gia vùng Vịnh gồm Saudi Arabia, Kuwait và Qatar của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã kết thúc mà chưa đạt được bước tiến trong việc xoa dịu các tranh cãi giữa các nước Arab với Qatar. Tuy nhiên, chuyến “ngoại giao con thoi” này đã thể hiện rõ những tính toán của Ankara tại khu vực.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ là chính khách nước ngoài thứ năm tới vùng Vịnh để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng giữa Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Bahrain, Ai Cập và Qatar sau các nhà ngoại giao của Anh, Pháp, Đức, Mỹ. Là một thành viên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ chặt chẽ với các quốc gia tại vùng Vịnh, đặc biệt là mối quan hệ đồng minh thân thiết với Qatar. Do đó, ngay khi cuộc khủng hoảng nghiêm trọng bùng phát, Ankara đã ủng hộ chính quyền Doha, phát đi tín hiệu rằng Qatar không đơn độc.

 

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) và Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad al-Thani tại Qatar.

Thực tế, ngay từ những ngày đầu cuộc khủng hoảng, chính quyền của Tổng thống R.Erdogan đã phản ứng rất tiêu cực trước việc các quốc gia Arab láng giềng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Chính trị gia có quan điểm cứng rắn này đã công khai chỉ trích hành động tẩy chay Qatar của Saudi Arabia và các nước đồng minh, đồng thời nhận làm trung gian trong đàm phán. Có những lý do đặc biệt để Thổ Nhĩ Kỳ tích cực can dự vào vấn đề này. Trong đó, quan trọng nhất là giữa Ankara và Doha có sự “ăn ý”, đồng điệu không chỉ trong quan hệ kinh tế mà còn có quan điểm gần gũi về vấn đề Syria. Cả hai quốc gia đều không ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad và lực lượng ly khai người Kurd. Hơn nữa, cả Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar đều có chung sự cạnh tranh ảnh hưởng với Saudi Arabia. Bằng chứng về liên minh "bất thành văn" giữa Ankara và Doha là việc thành lập căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar năm 2014. Sau khi khủng hoảng xảy ra, chính quyền của Tổng thống R.Erdogan đã gửi thêm quân và xe bọc thép đến Qatar nhằm thể hiện sự ủng hộ. Động thái này thực sự cho thấy quốc gia thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) coi mối quan hệ quốc phòng với Qatar là một trụ cột không thể thiếu để tạo nền tảng cho vị thế chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ tại vùng Vịnh. Sau đó, cùng với những nỗ lực ủng hộ hết mình cho đồng minh Qatar, Ankara cũng dần chuyển hướng tiếp cận vấn đề khi đề xuất làm trung gian hòa giải giữa các bên.

Theo các nhà phân tích, sở dĩ Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ đối thoại giữa các bên bởi Ankara thấy rằng căng thẳng hiện nay ở khu vực quan trọng này đang có tác động tiêu cực đến các mối quan hệ và lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng Vịnh. Một trong những yêu cầu của các nước Arab đối với Qatar là việc buộc Doha đóng cửa căn cứ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tại nước này. Hơn nữa, trong bối cảnh quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Liên minh Châu Âu và Mỹ đang trải qua giai đoạn đầy khó khăn, Ankara cũng phải dè chừng trước nguy cơ mối quan hệ với nước lớn trong khu vực là Saudi Arabia sẽ bị tác động tiêu cực. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn xây dựng hình ảnh và khẳng định vai trò của mình thông qua việc tiếp cận với tất cả các bên ở vùng Vịnh. Với một quốc gia được xem là nổi bật trong thế giới Hồi giáo, Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn không muốn đứng ngoài cuộc và nhìn bàn cờ chính trị ở vùng Vịnh xoay chuyển theo hướng bất lợi cho Ankara. So với Kuwait, Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều lợi thế hơn nếu muốn đi xa hơn trong việc làm trung gian hòa giải bởi sự liên hệ rộng rãi của Ankara với tất cả các bên.

Giới quan sát cho rằng, chuyến công du của Tổng thống R.Erdogan không chỉ nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất giữa các nước Arab trong nhiều năm qua mà còn cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ muốn thể hiện vai trò lớn hơn trên bàn cờ vùng Vịnh nhằm gia tăng ảnh hưởng chính trị, kinh tế đối với cả khu vực Trung Đông.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top