Sóng ngầm trong liên minh Mỹ - EU

10:20 - Thứ Năm, 27/07/2017 Lượt xem: 7365 In bài viết
Mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh Châu Âu vốn "cơm không lành, canh chẳng ngọt" kể từ khi Tổng thống Mỹ D.Trump nhậm chức, nay có nguy cơ gia tăng bất đồng khi mới đây Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua các lệnh trừng phạt mới đối với Nga, trước cáo buộc Mátxcơva can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, hậu thuẫn Chính phủ Syria và lực lượng ly khai tại Ukraine.

Với tỷ lệ ủng hộ áp đảo: 419 phiếu thuận và 3 phiếu chống, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan gọi đây là một trong những gói trừng phạt mở rộng nhất trong lịch sử để bảo đảm an toàn của nước Mỹ. Dự luật mới sẽ bổ sung các chế tài với lĩnh vực năng lượng, tài chính, đường sắt, vận tải, luyện kim, khai thác mỏ của Nga. Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders cho biết, nếu được Thượng viện thông qua, nhiều khả năng Tổng thống D.Trump cũng sẽ ký phê duyệt. Trong bối cảnh hiện nay, nếu bác bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Nga, Tổng thống Mỹ sẽ vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ trong Quốc hội, đồng thời dấy lên nghi vấn về mối quan hệ giữa các trợ lý hàng đầu của ông chủ Nhà Trắng với Nga trong cuộc bầu cử năm 2016.

 

Các chuyên gia nhận định, chính Châu Âu mới là khu vực có các chính sách thương mại và tài chính gây ảnh hưởng rõ rệt nhất tới Nga. Các dự án năng lượng lớn của Châu Âu có thể bị ảnh hưởng trước việc Washington trừng phạt các doanh nghiệp có liên quan tới Nga ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Tháng 3-2014, Châu Âu đã từng ủng hộ các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga khi Crimea tuyên bố độc lập ra khỏi Ukraine sau một cuộc trưng cầu dân ý và tìm kiếm con đường trở thành một phần của Nga. Mátxcơva cũng đã có những hành động đáp trả mạnh mẽ. Kết quả là hàng hóa xuất khẩu của Liên minh Châu Âu (EU) sang Nga giảm 14,5%, thiệt hại lên đến 63,2 tỷ USD và tổng sản phẩm quốc nội của khối này giảm ít nhất 0,4% mỗi năm kể từ khi các biện pháp trừng phạt có hiệu lực, đồng thời giảm hơn 1% tại các quốc gia Trung và Đông Âu.

Phát ngôn viên Ủy ban Châu Âu (EC) Margaritis Schinas cho biết, các biện pháp trừng phạt của Mỹ gây ảnh hưởng tới “các quyền lợi độc lập và an ninh năng lượng của Châu Âu”. Nhiều nguồn tin cho hay, Brussels đang chuẩn bị đối phó với Mỹ nếu việc Washington đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt Nga gây tác động bất lợi tới các công ty Châu Âu. Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker ngày 24-7 đã kêu gọi xem xét khẩn cấp cách thức phản ứng nếu các công ty năng lượng Châu Âu hoặc các doanh nghiệp khác đang gián tiếp trở thành mục tiêu của lệnh trừng phạt mới, Ông nhấn mạnh rằng Brussels nên sẵn sàng hành động trong vài ngày tới nếu các biện pháp của Mỹ được thông qua mà không cần cân nhắc tới vấn đề EU.

Mục tiêu của Brussels là tìm kiếm sự bảo đảm công khai hoặc bằng văn bản rằng chính quyền Tổng thống D.Trump sẽ không áp dụng các biện pháp trừng phạt mới theo hướng nhắm vào lợi ích của Châu Âu. Tuy nhiên, bất kỳ biện pháp đáp trả nào như áp dụng quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hay vô hiệu hóa bằng luật pháp Châu Âu cũng đòi hỏi sự đồng thuận của tất cả các nước EU. Trong khi Ba Lan và nhiều quốc gia Đông Âu có xu hướng ủng hộ việc Châu Âu kiềm chế các dự án năng lượng của Nga như Nord Stream 2 do lo ngại trước những ảnh hưởng ngày càng lớn của Mátxcơva trong lĩnh vực này, nhiều nước khác như Đức lại đang hưởng lợi hàng trăm triệu USD từ các dự án như vậy.

Sự phản đối của EU trước các lệnh trừng phạt của Mỹ là điều dễ hiểu, bởi không ít doanh nghiệp Châu Âu có quan hệ làm ăn với Nga và họ đang phải đứng trước những lựa chọn khó khăn trong việc từ bỏ đối tác đầy tiềm năng này hay đối mặt với các biện pháp trừng phạt từ phía Mỹ. Mong muốn chung của các nước EU hiện nay là việc áp đặt lệnh trừng phạt của Mỹ với Nga cần phải được đặt lên bàn cân với sự liên kết đã giảm của liên minh phương Tây.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top