Lời giải nào cho bán đảo Triều Tiên?

15:33 - Thứ Hai, 31/07/2017 Lượt xem: 5666 In bài viết
Bất chấp mọi sức ép từ cộng đồng quốc tế, Triều Tiên tiếp tục tuyên bố đã tiến hành một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) vào lúc 23h41 ngày 28-7 (giờ địa phương). Đây là vụ thử ICBM lần thứ hai của Bình Nhưỡng chỉ trong chưa đầy một tháng.

Phía Triều Tiên cho hay, ICBM vừa phóng thử đã bay 47 phút 12 giây trên không, đạt độ cao tối đa 3.724,9km và tầm xa 998km. Lầu Năm Góc cũng xác nhận thông tin này và cho biết tên lửa trên đã rơi xuống vùng biển phía Tây đảo Hokkaido, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Bình Nhưỡng khẳng định, tên lửa mang tên Hwasong-14 có khả năng vươn tới mọi thành phố của Mỹ và coi đây là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với Washington.

 

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 trong lần thử thứ hai của Triều Tiên vào đêm 28-7.

Như một động thái nhằm phản ứng tức thời trước vụ việc, rạng sáng 29-7, Mỹ và Hàn Quốc đã tổ chức một cuộc tập trận chung bắn đạn thật, sử dụng hệ thống tên lửa chiến thuật đất đối đất ATACMS và tên lửa đạn đạo Hyunmoo II. Theo các quan chức quốc phòng Hàn Quốc, ATACMS có thể triển khai và hoạt động nhanh chóng, có khả năng tấn công chính xác và cho phép nhắm vào một loạt mục tiêu quan trọng trong điều kiện thời gian hạn chế, thời tiết khắc nghiệt. Cả ATACMS và Hyunmoo II đều có tầm bắn khoảng 300km. Những bài tập tương tự đã diễn ra kể từ sau cuộc thử nghiệm ICBM đầu tiên của Triều Tiên vào ngày 4-7. Đơn vị Lục quân số 8 của Mỹ tại Hàn Quốc cho biết, cuộc tập trận chung nhằm mục đích phô trương năng lực hỏa lực chính xác và sử dụng khí tài đối phó với các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.

Trước đây, Mỹ và Hàn Quốc, dù lên án mạnh mẽ các chương trình phát triển vũ khí và hạt nhân của Triều Tiên, vẫn khẳng định sẽ tìm giải pháp ngoại giao cho các bất đồng. Tuy nhiên, nguồn tin từ quân đội Mỹ cho hay, cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn diễn ra chỉ vài giờ sau khi quan chức hai nước thảo luận về các giải pháp quân sự nhằm đáp trả Triều Tiên. Đây là lần đầu tiên phía Mỹ tuyên bố nâng cao các lựa chọn quân sự, dù biện pháp này đã từng được đề cập trong các cuộc đối thoại công khai.

Về phần mình, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đưa ra một loạt biện pháp đối phó mạnh mẽ, trong đó có việc triển khai thêm các bệ phóng của Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Trong phiên họp khẩn của Hội đồng An ninh quốc gia, nhà lãnh đạo xứ Kim chi cũng yêu cầu tăng cường tham vấn với Mỹ về khả năng răn đe chiến lược đối với Triều Tiên. Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Yong-moo trong một cuộc họp báo ngày 29-7 cho biết, ngoài hoạt động phối hợp với Washington, Seoul sẽ chuẩn bị các biện pháp độc lập để đối phó và kiềm chế mối đe dọa hạt nhân từ Bình Nhưỡng. 

Trong tình hình hiện nay, Mỹ và Hàn Quốc hoàn toàn có lý do để thúc đẩy việc tìm ra giải pháp trước sức ép từ Triều Tiên. Hai lần thử ICBM thành công liên tiếp và hàng loạt vụ thử tên lửa tầm ngắn, tầm trung khác là biểu hiện rõ ràng, thuyết phục nhất về những bước tiến đáng kể của Triều Tiên trong việc phát triển chương trình vũ khí và hạt nhân. Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) cho biết, không loại trừ khả năng Triều Tiên có thể sớm cho ra đời một ICBM thế hệ mới với năng lực hạt nhân đáng tin cậy vào đầu năm sau, sớm hơn những gì mà các chuyên gia dự báo trước đây.

Giới phân tích cho rằng, mục đích của chính quyền Bình Nhưỡng không gì khác ngoài sự công nhận quốc tế rằng Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân nhằm bảo đảm an ninh và tính hợp pháp chính trị. Ngay cả khi bổ sung các biện pháp trừng phạt, không có gì bảo đảm Bình Nhưỡng sẽ từ bỏ mục tiêu này. Trong khi đó, mặc dù tình hình khu vực đang trở nên nguy cấp hơn nhưng giải pháp quân sự không phải là một lựa chọn ưu tiên bởi nếu xảy ra đây sẽ là một hành động cực kỳ mạo hiểm. Vì vậy, việc tìm kiếm một lời giải hợp lý để hạ nhiệt căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên thực sự đang rất khó khăn.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top