Chưa trị tận gốc

16:15 - Thứ Tư, 09/08/2017 Lượt xem: 4652 In bài viết

Mặc dù Trung Quốc đã tăng cường luật an toàn thực phẩm từ hơn 2 năm qua, chi hàng tỷ USD để tuyển thêm nhân viên an toàn thực phẩm, các cơ sở giám sát… để đối phó với những vụ bê bối thực phẩm bẩn, đồng thời gia tăng hình phạt đối tượng làm giả thực phẩm, nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn, thậm chí còn tồi tệ hơn. 

 

Kiểm tra chất lượng sữa bột trẻ em tại môt siêu thị ở Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.

Thống kê mới nhất do công ty điệp viên thực phẩm toàn cầu Inscatech của Mỹ cho thấy tỷ lệ gian lận và lạm dụng trong ngành công nghiệp thực phẩm Trung Quốc lên tới gần 100%. Giám đốc Inscatech Mitchell Weinberg cho biết theo yêu cầu của các hãng bán lẻ và sản xuất thực phẩm, Inscatech thâm nhập vào chuỗi cung ứng trên khắp thế giới để tìm kiếm bằng chứng về gian lận và lạm dụng, hiện Trung Quốc vẫn là một khu vực tăng trưởng chính cho cả những kẻ gian lận cũng như những công nghệ đang phát triển nhằm chống lại vấn nạn này.

Các công ty bán lẻ và tập đoàn thực phẩm Trung Quốc cũng đang theo đuổi phương pháp sử dụng công nghệ kỹ thuật số để theo dõi và ghi lại xuất xứ của thực phẩm trong quá trình từ nông trại đến bàn ăn nhằm giảm nhẹ rủi ro từ gian lận thực phẩm bởi họ là một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu. Một số công ty thực phẩm lớn nhất đang ủng hộ một công nghệ tương tự như phương pháp phát triển các loại tiền ảo. Có tên blockchain, hình thức này về cơ bản là một cuốn sổ ghi giao dịch mã hóa được chia sẻ trên toàn hệ thống. Alibaba, công ty bán hàng trực tuyến hàng đầu Trung Quốc đã sử dụng công nghệ blockchain như một công cụ để chống thực phẩm giả nói riêng và các loại hàng hóa khác nói chung. Công ty Dịch vụ Thông tin và Công nghệ ở Thượng Hải cho biết sẽ sử dụng công nghệ này để theo dõi gà từ nông trại đến cơ sở chế biến và cuối cùng là ra chợ hoặc cửa hàng. Hãng bán lẻ WalMart có hơn 400 cửa hàng ở Trung Quốc cũng vừa hoàn thành đợt thử nghiệm sử dụng công nghệ blockchain để theo dõi thịt heo. Thời gian theo dõi chuỗi cung ứng thịt được cắt giảm từ 26 giờ xuống còn vài giây. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng đây chỉ là biện pháp chữa cháy, vì công nghệ không thể phát hiện hoặc kiểm tra thực phẩm có độc hại hay không.

Không chỉ đau đầu về thực phẩm bẩn, chính phủ Trung Quốc còn nhức óc về nạn thông tin thực phẩm lan truyền trên mạng xã hội. Tình hình nghiêm trọng hơn khi “tin vịt” kết hợp với sự lo ngại của dư luận về thực phẩm bẩn khiến doanh nghiệp điêu đứng, người tiêu dùng bấn loạn. Tờ Nhân Dân nhật báo dẫn kết quả nghiên cứu của Đại học Trung Sơn cho thấy khoảng 15% số tin tức giả được đọc nhiều nhất trên mạng xã hội WeChat của Trung Quốc có liên quan đến vấn đề thực phẩm. Năm 2016, nông dân nuôi tôm hùm Trung Quốc cũng thua lỗ nặng vì bài viết tôm nhiễm ký sinh trùng gây chết người trên WeChat thu hút trên 54 triệu lượt xem. Xã luận đăng trên tờ Thanh Niên Bắc Kinh khẳng định ngoài tốc độ lan truyền quá nhanh trên mạng xã hội thì một lý do lớn khác là lòng tin của người dân bị tổn hại nặng nề sau nhiều bê bối thực phẩm độc hại, trong khi các cơ quan chức năng vẫn chạy theo đối phó, chưa trị tận gốc vấn nạn. Tăng cường ý thức cộng đồng và xây dựng niềm tin với hành động cụ thể là một trong các giải pháp hữu hiệu đối phó với thực phẩm bẩn và các vấn đề liên quan.

P.V (theo SGGP)
Bình luận
Back To Top