Bước tiến của Brexit

10:51 - Thứ Tư, 13/09/2017 Lượt xem: 4485 In bài viết
Chính phủ thiểu số của Thủ tướng Anh Theresa May đã vượt qua bài kiểm tra lớn đầu tiên sau khi các nghị sĩ nước này tiến hành cuộc thảo luận kéo dài hơn 13 giờ và thông qua dự luật chấm dứt tư cách thành viên của Anh tại Liên minh Châu Âu (EU) với 326 phiếu thuận và 290 phiếu chống.

Cụ thể, dự luật Hủy bỏ hướng tới việc bãi bỏ Đạo luật năm 1972 về Các cộng đồng của Châu Âu (ECA) - văn kiện pháp lý có vai trò nền móng đối với tư cách thành viên EU của Anh, đặt các quyền của EU lên cao hơn quyền của Anh và buộc nước này phải tuân thủ 12.000 quy định chung của khối. Dự luật cũng chấm dứt quyền tối cao của Tòa án Tư pháp Châu Âu (ECJ) tại Anh, đồng thời đề ra cơ chế cho phép các luật của EU được chuyển đổi thành luật nội địa sau khi tiến trình Anh rời khỏi EU (Brexit) hoàn tất vào tháng 3-2019. Qua đó, luật pháp Anh sẽ được giữ nguyên sau quá trình “ly hôn”. Điều này đồng nghĩa với việc Anh sẽ không còn phải tuân thủ các luật mới được đưa ra tại Brussels sau khi nước này rời khỏi khối, tạo tiền đề cho quá trình chuyển đổi suôn sẻ tại xứ sở Sương mù.

 

Chính phủ Anh hy vọng tiến trình Brexit sẽ diễn ra suôn sẻ.

Dự luật Hủy bỏ nằm trong số 8 văn bản quan trọng mà Chính phủ Anh cần Quốc hội thông qua để đẩy nhanh tiến trình Brexit, bên cạnh các dự luật về liên minh thuế quan, thương mại, nhập cư, phòng vệ hạt nhân, nông nghiệp, nghề cá và các biện pháp trừng phạt quốc tế. Bộ trưởng phụ trách Brexit của Anh, David Davis khẳng định, đây là một trong những văn bản quan trọng nhất từng được thông qua tại Quốc hội nước này, là dấu mốc có giá trị trong tiến trình Brexit. Văn kiện trên sẽ bảo đảm cho các doanh nghiệp và cá nhân không phải đương đầu với những thay đổi đột ngột về luật pháp thời hậu Brexit.

Cuộc bỏ phiếu cũng là một sự khích lệ đối với chính quyền của Thủ tướng T.May. Đặc biệt là sau kết quả đáng thất vọng trong cuộc bầu cử sớm hồi tháng 6 vừa qua khiến nữ chính trị gia phải nhờ tới sự ủng hộ của đảng Liên minh Dân chủ (DUP) để thành lập chính phủ thiểu số. Trong một tuyên bố đưa ra ngày 11-9, Thủ tướng T.May gọi cuộc bỏ phiếu là một quyết định lịch sử thể theo ý nguyện của người dân Anh, mang lại tương lai chắc chắn và rõ ràng khi thực hiện tiến trình Brexit. Nhấn mạnh còn nhiều việc cần làm để quá trình rời khỏi "mái nhà chung" diễn ra thuận lợi, nữ Thủ tướng Anh tiếp tục kêu gọi các nghị sĩ hợp tác để hỗ trợ cho dự luật quan trọng này.

Dù vậy, dự luật cũng vấp phải hàng loạt chỉ trích dữ dội từ phía các đảng đối lập. Nhiều ý kiến lo ngại quy định mới sẽ tạo ra tình trạng lạm quyền khi cho phép các bộ trưởng có thể sửa đổi các điều luật để bảo đảm tính hiệu quả khi thực hiện tại Anh với sự thông qua của Quốc hội. Ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu, lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn mô tả đây là hành động đi ngược lại nền dân chủ nghị viện. Ông cũng kêu gọi các nghị sĩ bỏ phiếu chống lại dự luật nếu Chính phủ không có sự nhượng bộ và đưa ra những thay đổi phù hợp. Trong khi đó, phát ngôn viên đối ngoại của đảng Dân chủ tự do Tom Brake cho rằng, các nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ dự luật nên cảm thấy xấu hổ khi tạo ra một ngày đen tối tại Quốc hội.

Giới phân tích nhận định, việc Quốc hội Anh bỏ phiếu thông qua dự luật Hủy bỏ là tín hiệu khả quan nhất của quá trình Brexit tại thời điểm này, trong bối cảnh EU liên tục phàn nàn về việc Anh đang cố gắng duy trì cách tiếp cận khá bảo thủ mà vẫn muốn bảo toàn lợi ích của mình khi rời khỏi thị trường chung. Dự luật sẽ tiếp tục được các nghị sĩ nghiên cứu và có thể được sửa đổi hoặc bổ sung dưới áp lực của các thành viên đảng đối lập trong Quốc hội. Bộ trưởng Tư pháp Anh David Lidington đánh giá, dự luật chấm dứt tư cách thành viên của Anh tại EU chính là một "cuốn cẩm nang" hoạt động của nước Anh thời hậu Brexit. Do đó, việc chống lại dự luật này sẽ buộc xứ sở Sương mù phải rời EU trong tình cảnh hỗn loạn khi thiếu đi hệ thống quy định và khuôn khổ pháp lý chỉ đạo vấn đề hệ trọng liên quan mật thiết đến tương lai nước Anh.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top