Nỗ lực bảo vệ hành tinh xanh

10:08 - Thứ Ba, 19/09/2017 Lượt xem: 4825 In bài viết
Vẫn duy trì quan điểm của Tổng thống Donald Trump, Nhà Trắng đã đưa ra thông báo chính thức về việc Mỹ sẽ theo đuổi quan điểm rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Thông tin trên hoàn toàn trái ngược với những gì tờ Wall Street Journal tiết lộ cách đây chưa lâu. Theo đó, Ủy viên Châu Âu phụ trách lĩnh vực khí hậu và năng lượng Miguel Arias Canete cho biết, Mỹ sẽ không rút khỏi Hiệp định này. Sự kiện trên đã phủ bóng lên hội nghị giữa các bộ trưởng môi trường đến từ 30 quốc gia nhằm thúc đẩy thực thi thỏa thuận làm chậm lại quá trình nóng lên của Trái đất, đang diễn ra tại TP Montreal (Canada).

 

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống con người tại nhiều quốc gia.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết: Với một số điều kiện nhất định, Mỹ có thể sẽ xem xét việc tiếp tục tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, nhưng sẽ chỉ hợp tác nếu đạt được những thỏa thuận “hài hòa và công bằng đối với người dân Mỹ”. Đây cũng là quan điểm tương tự những gì Cố vấn An ninh quốc gia H.R.McMaster mới nêu ra trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình. Ông McMaster cho hay, Washington sẽ để mở khả năng tái gia nhập Hiệp định về sau này khi có được những điều khoản đem tới nhiều ích lợi hơn cho nước Mỹ.

Dù không thay đổi lập trường, nhưng động thái mới của chính quyền Mỹ được giới chuyên gia cho rằng, có khác biệt lớn so với quyết định quay lưng lại với Hiệp định, vốn khiến cộng đồng quốc tế thất vọng. Văn bản này được gần 200 quốc gia ký năm 2015, hướng tới việc giới hạn tăng nhiệt độ toàn cầu chỉ ở mức 200C trở xuống vào năm 2100, chủ yếu thông qua nỗ lực cắt giảm khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính từ các hoạt động sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Trong thời gian qua, nhiều cường quốc đã có một số quyết định đột phá trong nỗ lực chuyển hướng sang nền kinh tế không sử dụng loại năng lượng gây ô nhiễm này. Điển hình là sau Pháp và Anh, Trung Quốc cũng đề ra kế hoạch chấm dứt việc mua, bán và sản xuất các loại ô tô chạy bằng xăng và dầu diesel trong vài thập kỷ tới. Tuy nhiên, điều này không giúp họ tránh khỏi chỉ trích của đương kim Tổng thống Mỹ. Ông chủ Nhà Trắng cho rằng, các điều khoản trong thỏa thuận là quá dễ dãi đối với những quốc gia gây ô nhiễm hàng đầu như Ấn Độ và Trung Quốc, đồng thời, đặt nền công nghiệp Mỹ trước nhiều rủi ro.

Dẫu vậy, một số nhà phân tích cho rằng, kể cả khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris thì mọi thứ vẫn chưa chấm dứt. Ngay tại xứ Cờ hoa, nhiều tập đoàn hàng đầu vẫn sẽ tiếp tục dẫn dắt cuộc cách mạng xanh. Các công ty biểu tượng lớn của Mỹ như Microsoft, Apple, Tesla hay Facebook đều đang thúc đẩy rất nhanh các chương trình xanh của riêng mình. Ngoài ra, Liên minh Châu Âu (EU), Trung Quốc và các nước khác đủ khả năng đảm nhận vai trò lãnh đạo cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nếu vắng bóng Mỹ. Mặt khác, theo quy định, một quốc gia chỉ có thể rút khỏi Hiệp định với lộ trình kéo dài 4 năm. Nghĩa là, kể cả khi kiên quyết với ý định này, Mỹ vẫn phải tuân thủ các cam kết cho tới khi nhiệm kỳ hiện nay của Tổng thống D.Trump kết thúc.

Vì thế, Hội nghị Montreal được xem là cơ hội để bộ trưởng các nước nỗ lực thu hẹp bất đồng và khác biệt nhằm hướng đến việc thực thi Hiệp định Paris vốn đang gặp thách thức. Diễn ra vào đúng thời điểm cách đây 30 năm Nghị định thư Montreal được ký kết nhằm bảo vệ tầng ozone, phát biểu khai mạc của Bộ trưởng Môi trường Canada Catherine McKenna nhấn mạnh, việc ký kết Nghị định thư Montreal như một "câu chuyện thành công" nhờ những cố gắng chung của các chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và người dân trong việc đối phó với mối đe dọa lớn mang tính toàn cầu. Điều này đang thắp lên niềm tin về việc thế giới vẫn còn những cơ hội để thực thi các chiến lược bảo vệ hành tinh xanh nếu có thiện chí, sự đồng lòng và hợp tác thực sự.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top