Thỏa thuận hạt nhân Iran:

Đối diện nguy cơ đổ vỡ?

10:08 - Thứ Hai, 16/10/2017 Lượt xem: 5050 In bài viết
Điều mà dư luận quốc tế lo ngại đã trở thành hiện thực khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tuyên bố bác bỏ xác nhận việc Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân có tên gọi Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) mà nước này đạt được với nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức). Trong bài phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống D.Trump khẳng định đây là một trong những văn bản tồi tệ nhất mà Mỹ từng ký kết và chỉ trích Iran đã nhiều lần “vi phạm” hay “không tuân thủ tinh thần của thỏa thuận”.

Có hiệu lực từ tháng 10-2015, JCPOA là kết quả của 12 năm đàm phán đầy căng thẳng giữa Iran và nhóm P5+1. Văn bản dài 109 trang này hạn chế đáng kể khả năng làm giàu uranium phục vụ mục đích sản xuất vũ khí hạt nhân của Tehran. Đổi lại, một loạt biện pháp trừng phạt về kinh tế mà Mỹ và các nước Liên minh Châu Âu (EU) từng áp đặt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này được dỡ bỏ.

 

Tuyên bố của Tổng thống Mỹ D.Trump bác bỏ việc Iran tuân thủ JCPOA đã đe dọa tương lai của thỏa thuận này.

Điều này giúp Iran thu hút đầu tư nước ngoài và nối lại hoạt động xuất khẩu dầu mỏ, ước tính đã mang về lợi nhuận hơn 100 tỷ USD. Iran cũng được phép giữ lại một phần chương trình hạt nhân vì mục đích dân sự và y tế, nhưng nằm dưới sự giám sát chặt chẽ của các thanh sát viên quốc tế.

Theo Đạo luật xem xét thỏa thuận hạt nhân Iran (INARA) năm 2015, Tổng thống Mỹ phải xác nhận lại sự tuân thủ của Tehran với JCPOA sau mỗi 90 ngày. Tổng thống D.Trump đã thực hiện điều này hai lần trước đó, gần đây nhất là vào ngày 17-7. 

Vì thế, với việc ông chủ Nhà Trắng vừa từ chối xác nhận Iran đã tuân thủ cam kết, Quốc hội Mỹ sẽ có 60 ngày để xem xét việc khôi phục các biện pháp trừng phạt kinh tế với Iran. Tổng thống D.Trump cũng nhấn mạnh, trong trường hợp Quốc hội Mỹ và các đồng minh của nước này không đưa ra biện pháp thỏa đáng, đặc quyền của ông chủ Nhà Trắng là rút Mỹ khỏi thỏa thuận “bất kỳ lúc nào”.

Về phần mình, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng, bài phát biểu của người đồng cấp Mỹ “đầy những lời lẽ cáo buộc vô căn cứ”, nhấn mạnh quyết định vừa được đưa ra sẽ cô lập Mỹ bởi các bên tham gia vẫn cam kết trung thành với văn bản. Iran sẽ tăng gấp đôi nỗ lực mở rộng năng lực quốc phòng, trong đó có chương trình tên lửa đạn đạo bất chấp sức ép của Mỹ đòi đình chỉ các hoạt động này. 

Quyết định của Tổng thống D.Trump cũng không nhận được sự ủng hộ từ các đồng minh truyền thống của Mỹ. Các nhà lãnh đạo Anh, Đức, Pháp đã ra tuyên bố chung bày tỏ lo ngại về hậu quả từ việc Mỹ bác bỏ xác nhận việc Iran tuân thủ JCPOA, đồng thời kêu gọi Quốc hội Mỹ cân nhắc tới hệ quả an ninh trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào. 

Giới quan sát lo ngại, tương lai bấp bênh của thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ tạo ra sự bất ổn lớn hơn tại Trung Đông và phần nào làm tổn hại niềm tin của các đồng minh truyền thống của xứ Cờ hoa. Mỹ hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khác, đặc biệt là cuộc khủng hoảng tại bán đảo Triều Tiên. Việc hủy bỏ các cam kết với Iran sẽ trở thành tiền lệ xấu khiến vấn đề Triều Tiên càng khó giải quyết. 

Đàm phán lại thỏa thuận này cũng không phải là biện pháp khả thi bởi Washington khó lòng lôi kéo đủ các bên ngồi lại vào bàn đối thoại, nhất là khi Tehran sẽ không dễ dàng đặt niềm tin vào các cam kết của chính quyền Tổng thống D.Trump. 

Kể từ khi được ký kết, JCPOA được hoan nghênh là một thỏa thuận lịch sử nhằm bảo đảm các chương trình hạt nhân của Iran không bị chuyển hướng cho mục đích quân sự, đồng thời là thành tựu hiếm hoi được ghi nhận của chính quyền Mỹ trong việc tiếp cận với khu vực Trung Đông vốn nhiều rối ren. Bởi vậy, các chuyên gia nhận định, duy trì cam kết này là việc làm cần thiết nhằm tránh đưa các nỗ lực quốc tế trở về điểm xuất phát cách đây hơn một thập kỷ.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top