Mỹ khẳng định vai trò với các đồng minh châu Á

14:57 - Thứ Hai, 06/11/2017 Lượt xem: 5456 In bài viết

Chuyến công du của Tổng thống Donald Trump tới châu Á “sẽ nhấn mạnh cam kết về mối liên minh và đối tác lâu dài, đồng thời tái khẳng định sự lãnh đạo của Mỹ trong việc xúc tiến một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, cởi mở”.

 

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Câu lạc bộ golf Kasumigaseki ở Kwagoe

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 5-11 tới Nhật Bản, bắt đầu chuyến thăm châu Á. Nhà Trắng nói rằng chuyến công du này của Tổng thống Donald Trump “sẽ nhấn mạnh cam kết về mối liên minh và đối tác lâu dài, đồng thời tái khẳng định sự lãnh đạo của Mỹ trong việc xúc tiến một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, cởi mở”.

Cam kết liên minh và đối tác lâu dài

Tại Nhật Bản, theo Reuters, phát biểu trước hàng trăm binh sĩ Mỹ và Nhật Bản tại căn cứ không quân Yokota, phía Tây Tokyo, ngay sau khi đến Nhật Bản, Tổng thống Donald Trump nói: “Không có nhà độc tài, không có chế độ nào, không quốc gia nào nên đánh giá thấp sự quyết đoán của Mỹ”.

Trọng tâm của cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là tình hình Triều Tiên. Hai nhà lãnh đạo đã cùng ăn trưa tại nhà hàng trong câu lạc bộ gofl và ký tặng mũ chơi gofl.

Tổng thống Donald Trump muốn có một mặt trận thống nhất với các nhà lãnh đạo của Nhật Bản và Hàn Quốc đối phó với Triều Tiên trước khi ông thăm Bắc Kinh.

Theo tờ Stars and Stripes, Tổng thống Donald Trump chuẩn bị 2 bài diễn văn quan trọng, sẽ đọc trước Quốc hội Hàn Quốc và tại thượng đỉnh APEC ở Việt Nam. Các nhà quan sát cho rằng đây là quan niệm mới trong chính sách của Tổng thống Donald Trump tại châu Á.

Trước đó, phát biểu với các phóng viên trên máy bay Air Force One, Tổng thống Mỹ tuyên bố ông sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị cấp cao APEC ở Việt Nam và mong muốn có sự giúp đỡ của Tổng thống Putin trong vấn đề Triều Tiên. Ông  Donald  Trump cho rằng Triều Tiên là một “vấn đề lớn đối với đất nước và của thế giới, và chúng tôi muốn giải quyết vấn đề đó”.

Theo Kyodo, Tổng thống Donald Trump cho biết sẽ “sớm” quyết định về việc liệu có đưa Triều Tiên trở lại danh sách quốc gia tài trợ khủng bố hay không. Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã xóa Triều Tiên khỏi danh sách tài trợ khủng bố hồi tháng 10-2008 dưới thời Tổng thống George W. Bush nhờ những tiến triển trong đàm phán về giải trừ hạt nhân của Triều Tiên.

Giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc

Thương mại cũng sẽ là vấn đề lớn trong chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump đến châu Á, đặc biệt là khi Mỹ muốn giảm thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc. Theo AP, Tổng thống Mỹ cho rằng: “Một trong những điều chúng tôi tập trung vào thương mại là vì thương mại đã không được thực hiện tốt trong 25 năm qua với nhiều nơi trên thế giới”.

Theo kế hoạch, Tổng thống Donald Trump sẽ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt chính sách thương mại vi phạm bản quyền hoặc phải đối mặt với những hậu quả trừng phạt. Ngoài ra, Nhà Trắng nói với các nhà báo rằng Tổng thống Mỹ sẽ gửi một “thông điệp rõ ràng” cho Trung Quốc để ngăn chặn sự phá hoại các công ty Mỹ do hàng hóa giá rẻ được trợ giá từ các công ty Trung Quốc.

Một quan chức cao cấp Mỹ từng cảnh báo rằng các mối quan hệ thương mại “dài hạn” Mỹ-Trung có nguy cơ cao, trừ phi có sự đảo chiều.

Theo Tổng thống Donald Trump, Mỹ muốn công bằng về tự do thương mại và phải có tính đối ứng.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trịnh Trạch Quang cho biết quan hệ kinh tế và thương mại Trung - Mỹ là lợi ích chung. Giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại giữa hai nước đòi hỏi phải mở rộng hoạt động xuất khẩu từ Mỹ tới Trung Quốc và đẩy mạnh đầu tư hai chiều, thay vì hạn chế luồng nhập khẩu từ Trung Quốc. Một cuộc chiến tranh thương mại sẽ chỉ gây phương hại cho lợi ích của cả hai bên bởi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện phụ thuộc và bổ trợ hết sức chặt chẽ cho nhau và sở hữu tiềm năng hợp tác rất lớn.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top