Chuyến thăm được mong đợi

16:28 - Thứ Hai, 06/11/2017 Lượt xem: 5792 In bài viết

Mọi sự chú ý của thế giới đang đổ dồn về chuyến công du Châu Á đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, với các điểm đến không chỉ là những nước đồng minh truyền thống của Washington như Nhật Bản, Hàn Quốc, hay Philippines, mà còn bao gồm Việt Nam và Trung Quốc. Kéo dài 13 ngày (nhiều hơn một ngày so với dự kiến), đây là chuyến thăm Châu Á dài nhất của các đời Tổng thống Mỹ trong suốt mấy chục năm qua.

 

Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu chuyến công du Châu Á kéo dài 13 ngày.

Diễn ra trong bối cảnh có nhiều bất ổn về tình hình an ninh trong khu vực, cũng như nguy cơ ảnh hưởng đến vị thế chiến lược của Mỹ ở Châu Á, chuyến công du của Tổng thống Mỹ thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới, đặc biệt ở hai khía cạnh: An ninh và thương mại. Thái độ cụ thể của ông chủ Nhà Trắng, vốn theo đuổi tư tưởng “nước Mỹ trên hết” thay vì "xoay trục tới Châu Á" như người tiền nhiệm Barack Obama, đối với mỗi nước trong hành trình, sẽ xác lập nền tảng cần thiết cho quan hệ đối ngoại của Mỹ với Châu Á suốt nhiệm kỳ này.

Về an ninh, giới chuyên môn cho rằng vấn đề Triều Tiên sẽ nổi cộm trong các buổi thảo luận của ông D.Trump với lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa tới 15 lần kể từ tháng 2 đến nay. Ông D.Trump đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ, đồng thời đề nghị Bắc Kinh hành động tích cực và có hiệu quả. Vấn đề này cũng sẽ được ông D.Trump nêu ra khi tới Hàn Quốc và đề cập đến Dự án triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) khiến Hàn Quốc và Trung Quốc mâu thuẫn sâu sắc.

Về phần mình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có thể sẽ đề nghị ông D.Trump tiếp tục tôn trọng Hiệp ước Hợp tác và An ninh chung (ký năm 1960). Câu trả lời mà Tổng thống Mỹ dành cho Nhật Bản về điều này sẽ phần nào làm sáng tỏ quan điểm của Washington với các đồng minh tại khu vực Châu Á. Khi tranh cử, ông D.Trump từng không ít lần nói Mỹ đang phải gánh quá nhiều chi phí quốc phòng cho hai đồng minh là Nhật Bản và Hàn Quốc. 

Ở lĩnh vực kinh tế, con số thâm hụt thương mại 347 tỷ USD của Mỹ với Trung Quốc luôn được ông D.Trump coi đó là một điều cần thay đổi. Vì thế, trong các cuộc gặp tới, có thể ông chủ Nhà Trắng sẽ đề xuất các chính sách thương mại mới nhằm cân bằng cán cân thương mại giữa hai cường quốc. Thâm hụt thương mại cũng là câu chuyện với Nhật Bản và Hàn Quốc, tuy nhiên quan điểm của Tổng thống Mỹ với những đồng minh này sẽ có phần mềm mỏng hơn.

Mặt khác, sau khi trở thành Tổng thống Mỹ, ông D.Trump ngay lập tức rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với sự tham dự của 12 quốc gia, đồng thời yêu cầu đánh giá lại Hiệp định Thương mại tự do Mỹ - Hàn và thực hiện hàng loạt chính sách về bảo đảm an ninh và xuất khẩu hàng hóa khiến nhiều nước Châu Á cảm thấy bất an. Vì vậy, những thỏa thuận thương mại cụ thể sẽ được ông D. Trump đề cập khá dày trong chuyến công du lần này.

Kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng, ông D.Trump sẽ tới Hà Nội, có chuyến thăm chính thức Việt Nam. Chuyến công du Châu Á của ông sẽ khép lại khi đặt chân tới Manila (Philippines), tham dự Hội nghị Cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS). Những ngày ông D.Trump lưu lại Philippines có thể là cơ hội tốt để Washington hàn gắn mối quan hệ với đồng minh truyền thống vốn bị "nguội lạnh" dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. 

Theo các nhà quan sát, việc cân bằng quyền lực chính trị, đồng thời củng cố trật tự ở Châu Á theo chiến lược của Mỹ và tránh được xung đột sẽ là bài toán khó mà đương kim Tổng thống Mỹ D.Trump phải giải quyết cùng lúc trong chuyến công du này.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top