Căng thẳng quan hệ Nga - Canada

16:04 - Thứ Ba, 07/11/2017 Lượt xem: 5842 In bài viết

Quan hệ Nga - Canada bất ngờ căng thẳng khi Mátxcơva vừa thông báo cấm một loạt nhà hoạt động người Canada nhập cảnh vào Nga, nhằm đáp trả các biện pháp tương tự mà phía Canada đang áp đặt.

Tháng 10 vừa qua, Canada đã thông qua Đạo luật Sergei Magnitsky, cho phép Chính phủ nước này "đóng băng" toàn bộ tài sản và cấm nhập cảnh đối với những người có tên trong danh sách trừng phạt. Đạo luật này mang tên Sergei Magnitsky, một luật sư chống tham nhũng chết năm 2009 sau khi bị giam giữ trong một nhà tù tại Nga. Do đó, ngày 4-11, Canada thông báo cấm nhập cảnh và "đóng băng" tài sản của 30 quan chức xứ Bạch dương được cho là liên quan đến cái chết của vị luật sư này.

 

Căng thẳng ngoại giao Nga - Canada xoay quanh cái chết của luật sư Sergei Magnitsky.

Thực tế, quan hệ Nga - Canada ghi nhận có lúc thăng, lúc trầm. Giai đoạn đi xuống của mối quan hệ song phương là dưới thời Thủ tướng Steven Harper. Năm 2014, Ottawa nhiều lần lên án Mátxcơva về việc sáp nhập Crimea và đã áp đặt các biện pháp chế tài trừng phạt đối với Nga cùng với các quốc gia phương Tây khác. Tuy vậy, quan hệ hai nước đã có những tín hiệu tích cực đáng kể sau khi Thủ tướng theo trường phái tự do Justin Trudeau lên nắm quyền năm 2016. Ông J.Trudeau không theo đuổi trường phái cứng rắn và khẳng định sẽ nỗ lực nhằm khôi phục nền kinh tế Canada. Theo đó, Thủ tướng J.Trudeau cho rằng, điều cần thiết hiện nay là phải khôi phục các cuộc đối thoại với Mátxcơva về vấn đề Ukraine cũng như các mối quan tâm quốc tế nóng bỏng khác. Việc thiếu đi các cuộc tiếp xúc song phương khiến các bên khó thúc đẩy giải quyết khủng hoảng và điều đó không thể coi là sự trợ giúp cho Ukraine.

Canada là quốc gia có ảnh hưởng và được tôn trọng trên trường quốc tế. Quan hệ giữa Nga với Canada là mối quan hệ rất thân thiện và lâu đời, có các nhiệm vụ, lợi ích chung trong việc khai khẩn khu vực Bắc Cực rộng lớn hay hợp tác trong vùng Bắc bán cầu nói chung. Trong các lệnh cấm vận trước đó được Canada thực hiện có lệnh cấm vận đối với các công ty dầu khí của Nga đang tiến hành khai thác ở Bắc Cực. Canada là quốc gia quan tâm hơn Mỹ trong vấn đề khai thác các nguồn tài nguyên ở Bắc Cực nên cần hợp tác với Nga nhằm đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ theo hướng này. Hai bên cũng có những kinh nghiệm hợp tác thực tế trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và một loạt lĩnh vực khác. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của cộng đồng người Ukraine ở Canada liên quan tới việc ban hành các chính sách ở nước này là khá lớn. Vì vậy, việc Thủ tướng J.Trudeau đề xuất trao đổi các vấn đề Ukraine cho thấy Canada thực sự quan tâm đến việc hợp tác với Nga.

Theo các nhà phân tích, quyết định thực thi Đạo luật Sergei Magnitsky đã làm quan hệ Nga - Canada vốn có nhiều thăng trầm nay thêm phần căng thẳng. Từ trước tới nay, Nga luôn phản đối kịch liệt khi Đạo luật Sergei Magnitsky được ban hành ở nhiều nước khác. Vào năm 2012, sau khi chính quyền Tổng thống B.Obama ban hành Đạo luật Magnitsky của Mỹ, trong đó trừng phạt hơn 40 quan chức Nga mà Washington cho là liên quan tới cái chết của luật sư Magnitsky, Tổng thống Nga V.Putin đáp lại bằng một luật cấm công dân Mỹ nhận con nuôi Nga.

Điện Kremlin từng cảnh báo Ottawa, nếu Canada ban hành luật giống Mỹ áp đặt chế tài và cấm nhập cảnh đối với các quan chức cấp cao Nga thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho quan hệ Nga - Canada. Quyết định cấm nhập cảnh vào Nga không chỉ ảnh hưởng tới nhiều người Canada mà còn đẩy quan hệ song phương ngày càng xấu đi. Bộ Ngoại giao Nga đã kêu gọi phía Canada chấm dứt “trò chơi trừng phạt” và có những hành động tương tác mang tính xây dựng.

Dễ dàng nhận thấy, cả Ottawa và Mátxcơva đều chia sẻ những lợi ích chung, không thể tách rời. Trong bối cảnh này, rõ ràng hai bên cần có những bước đi thận trọng để giải quyết bất đồng, hướng tới sự hợp tác hòa dịu hơn.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top