Hiện thực hóa thỏa thuận chống biến đổi khí hậu

14:50 - Thứ Tư, 08/11/2017 Lượt xem: 6855 In bài viết
Hội nghị lần thứ 23 của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP 23) đã chính thức khai mạc tại TP Bonn (Đức), với mục đích cụ thể hóa các điều khoản trong Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, vốn được lãnh đạo của gần 200 quốc gia (trong đó có Việt Nam) ký thông qua tại TP Paris (Pháp) cách đây 2 năm.

Trong ngày khai mạc, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đã công bố một báo cáo, nêu rõ nồng độ khí dioxide carbon (CO2) trong khí quyển đang ở mức báo động. Loại khí có nguồn gốc chủ yếu từ khí thải công nghiệp, phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch và hậu quả của nạn phá rừng khiến cho trái đất nóng lên, gián tiếp gây ra thiên tai, ngập lụt tại những vùng đất thấp. Do đó, thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu được kỳ vọng sẽ giúp giảm khí thải nhà kính trên phạm vi toàn cầu, với mục tiêu giữ cho nhiệt độ trái đất không tăng quá 2 độ C so với nhiệt độ thời kỳ tiền công nghiệp (hiện đang ở mức 1,1 độ C).

 

COP 23 được kỳ vọng sẽ cụ thể hóa những đề xuất đã nêu trong Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu năm 2015.

WMO cũng cho biết, tuy nhiệt độ trái đất trong năm 2017 thấp hơn chút ít so với mức kỷ lục vào năm 2016 do hiệu ứng El Nino giảm bớt, nhưng con người sẽ phải đối mặt với các trận mưa bão lớn chưa từng có mà cơn bão Harvey, Irma và Maria vừa qua là ví dụ điển hình. Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), thời tiết cực đoan đã gây thiệt hại 129 tỷ USD trong năm 2016 và sẽ còn tiếp tục tăng trong năm nay. Theo Liên hợp quốc, nếu các quốc gia không thể hiện nỗ lực mạnh mẽ, nhiệt độ trái đất sẽ tăng thêm 3 độ C từ nay tới năm 2100. 

Trong bối cảnh ấy, với hai tuần làm việc, các đoàn đàm phán sẽ phải cố gắng thống nhất những quy tắc cụ thể nhằm áp dụng Hiệp định Khí hậu toàn cầu trên thực tế, trong đó có điều khoản các nước phát triển hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo. Ngoài ra, các bên cũng sẽ đề xuất các giải pháp nhằm chấm dứt kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch ngay trong thế kỷ này, dần chuyển sang năng lượng gió, năng lượng mặt trời và các loại năng lượng sạch khác.

COP 23 cũng là hội nghị COP đầu tiên diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo ý định rút khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, với lộ trình đề ra kéo dài tới tháng 11-2020. Mới đây, việc Washington đồng ý công bố bản báo cáo khoa học toàn diện, khẳng định con người là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng biến đổi khí hậu được xem là tín hiệu vui đối với nỗ lực chống biến đổi khí hậu của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, quan điểm của nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ, cũng như bản thân Tổng thống D.Trump về vấn đề này vẫn khiến Washington nhận nhiều lời chỉ trích. Mặc dù vậy, đoàn đại biểu với 48 thành viên của Mỹ sẽ tiếp tục tham gia vào các cuộc đàm phán trong COP 23. Theo nhận định của Trưởng đoàn đàm phán Fiji Nazhat Shameem Khan, phía Mỹ cũng đã thể hiện mong muốn có những đóng góp mang tính xây dựng trong suốt quá trình chuẩn bị cho hội nghị.

Nhìn chung, với những giải pháp hợp lý và khả thi đã được đề xuất trong COP 22, hội nghị COP 23 có nhiều thuận lợi hơn trong việc hiện thực hóa các nỗ lực đề ra. Tuy nhiên, những rào cản trong việc triển khai biện pháp cụ thể vẫn tồn tại không chỉ ở mỗi quốc gia mà đôi khi là cả với từng khu vực kinh tế. "Thế giới sẽ cần ý chí chính trị cao độ của các bên để tạo sự thay đổi cần thiết, tiến tới loại bỏ những hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra" - đây là quan điểm mà Thủ tướng Fiji, Chủ tịch Hội nghị COP 23 Frank Bainimarama, chia sẻ tại phiên khai mạc.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top